Gánh nặng bệnh tật do phế cầu khuẩn gây ra với sức khỏe con người

Phế cầu khuẩn là nguyên nhân thường gặp gây ra các bệnh viêm phổi cộng đồng, viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm tủy xương, viêm khớp nhiễm trùng và nhiễm khuẩn huyết trên toàn thế giới.

Trẻ điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Trẻ điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính mỗi năm trên thế giới có 1,6 triệu người chết do bệnh phế cầu khuẩn, nguyên nhân dẫn tới tình trạng viêm phổi, viêm màng não và nhiễm trùng huyết. Hơn 90% số ca tử vong này xảy ra ở các nước đang phát triển.

Tình trạng kháng kháng sinh của phế cầu khuẩn cũng là một vấn đề toàn cầu. Tỷ lệ kháng kháng sinh trong điều trị bệnh này đang gia tăng, dẫn đến thất bại điều trị và tăng chi phí y tế.

Phế cầu khuẩn lây lan qua đường hô hấp

Theo Hội Y học Dự phòng Việt Nam, phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae) là một loại vi khuẩn thường khu trú trong các khoang mũi họng của người mà không gây ra bệnh. Khi cơ thể xảy ra các vấn đề bất thường về sức khỏe như suy giảm miễn dịch, người già, trẻ em hệ miễn dịch chưa hoàn thiện... sẽ tạo điều kiện cho phế cầu phát triển gây nên bệnh.

Phế cầu khuẩn là nguyên nhân thường gặp gây ra các bệnh viêm phổi cộng đồng, viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm tủy xương, viêm khớp nhiễm trùng và nhiễm khuẩn huyết trên toàn thế giới. Người lớn tuổi, trẻ em và người suy giảm miễn dịch là những đối tượng dễ mắc các bệnh do phế cầu khuẩn gây ra.

Ngoài ra, người lớn tuổi thường mắc các bệnh mạn tính, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và bệnh tim mạn tính, sẽ càng có nguy cơ mắc thêm bệnh phế cầu khuẩn cao hơn. Không những làm tỷ lệ nhiễm trùng cao, phế cầu khuẩn còn gây tử vong do mắc các bệnh liên quan, đặc biệt ở nhóm bệnh nhân trẻ em và người cao tuổi.

Bệnh do phế cầu gây ra sẽ lây lan thông qua đường hô hấp khi tiếp xúc, va chạm với người bị bệnh qua các hành động như hắt hơi, ho, hôn hay sử dụng chung đồ dùng cá nhân.

Nghiên cứu của Bệnh viện Nhi Trung ương năm 2015-2021 trên nhóm bệnh nhi dưới 5 tuổi mắc viêm màng não do phế cầu khuẩn cho thấy, viêm màng não tập trung gây bệnh nặng và di chứng sau bệnh kéo dài nhất ở nhóm dưới 1 tuổi (71,9%), phân bố rải rác ở trẻ 2-5 tuổi.

WHO ước tính năm 2017, toàn cầu có 600.000 trẻ dưới 5 tuổi tử vong vì các bệnh do phế cầu khuẩn, chiếm 10% số ca tử vong ở độ tuổi này.

Các biện pháp phòng ngừa bệnh phế cầu khuẩn

Trong chuỗi Hội nghị khoa học “Gánh nặng bệnh tật của phế cầu trên người trưởng thành,'' do Hội Y học Dự phòng Việt Nam tổ chức, bác sỹ Eva Polverino - Trưởng Đơn vị Nghiên cứu về Nhiễm trùng Hô hấp tại Khoa Bệnh Hô hấp, Bệnh viện Vall d’Hebron ở Barcelona (Tây Ban Nha) cho biết, mặc dù thế giới đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc giảm tỷ lệ tử vong do nhiễm trùng đường hô hấp dưới và phế cầu khuẩn, nhưng gánh nặng vẫn còn cao.

Nguy cơ mắc bệnh phế cầu khuẩn xâm lấn ở người lớn tăng lên theo tuổi và khi hiện diện một số bệnh đồng mắc. Sự hiện diện của nhiều bệnh lý mạn tính có thể làm tăng thêm nguy cơ này. Tiến sỹ Eva Polverino giải thích thêm tầm quan trọng của việc tiêm chủng và vai trò của vaccine trong việc giúp ngăn ngừa các bệnh do phế cầu khuẩn gây ra.

Bác sĩ Eva Polverino.jpg
Bác sỹ Eva Polverino, Trưởng Đơn vị Nghiên cứu về Nhiễm trùng Hô hấp tại Khoa Bệnh Hô hấp, Bệnh viện Vall d’Hebron ở Barcelona (Tây Ban Nha).

Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng - Trường Đại Học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh phân tích, tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung, việc già hóa dân số và gia tăng các bệnh mạn tính sẽ dẫn đến tỷ lệ nhiễm phế cầu khuẩn và chi phí điều trị tăng cao. Vì thế, phòng ngừa nhiễm phế cầu khuẩn chủ động có thể được xem là một chiến lược hiệu quả giúp giảm gánh nặng bệnh tật, kháng kháng sinh và chi phí y tế trên bình diện vĩ mô.

Chuyên gia Đỗ Văn Dũng nhấn mạnh, để phòng bệnh phế cầu khuẩn người dân thực hiện các biện pháp như: giữ gìn sức khỏe khi thời tiết thay đổi, vệ sinh sạch sẽ vùng mũi họng, tăng cường dinh dưỡng để có sức đề kháng tốt. Bên cạnh các biện pháp dự phòng như đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc nơi đông người, hạn chế các đường lây truyền thì dự phòng chủ động bằng vaccine là một trong những giải pháp quan trọng nhất.

PGS. Đỗ Văn Dũng.jpg
Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng, Trường Đại Học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

WHO khuyến cáo, đầu tư cho tiêm chủng và vaccine là đầu tư khôn ngoan và tiết kiệm nhất. Vaccine phế cầu có tính miễn dịch cộng đồng khi tiêm đầy đủ cho trẻ em và người lớn. Nếu tỷ lệ tiêm chủng cao thì những người xung quanh cũng được bảo vệ. Trong gia đình, nếu một thành viên được tiêm ngừa thì cũng bảo vệ được những thành viên chưa được tiêm phòng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục