Gắn trách nhiệm về quản lý phân bón với chính quyền địa phương các cấp là một trong những nội dung rất quan trọng của dự thảo sửa đổi Nghị định 202 về quản lý phân bón.
Điều này tạo sự khác biệt lớn bởi trong Nghị định cũ, gần như chính quyền sở tại đứng ngoài cuộc.
Theo dự thảo Nghị định mới về quản lý phân bón, sẽ có một số điểm mới được bổ sung vào Nghị định thay thế. Những điểm mới này nhằm mục tiêu xử lý và giải quyết những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua. Để thực hiện tốt vấn đề này, một trong những quy định đó là phân cấp mạnh và quy kết trách nhiệm cho địa phương.
[Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ là đầu mối quản lý phân bón]
Nội dung này đã được ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) nêu rõ tại Hội nghị góp ý dự thảo Nghị định về quản lý phân bón khu vực phía Bắc, diễn ra sáng nay (19/4), tại Hà Nội.
Cục trưởng Hoàng Trung cũng nêu rõ những điểm mới về phân cấp và trách nhiệm bao gồm việc đóng gói phân bón, buôn bán phân bón, sử dụng phân bón, công bố hợp quy phân bón và xác nhận nội dung quảng cáo phân bón.
Theo Cục trưởng Hoàng Trung, đối với phân cấp về đóng gói phân bón, bao gồm sang chai và gia công, đây là một trong những mô hình rất phổ biến của địa phương. Cục Bảo vệ thực vật cũng đã giúp Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự thảo điều kiện rất chi tiết về điều kiện cụ thể, trình tự thủ tục hồ sơ… để khi Nghị định ban hành thì các địa phương sẽ thực hiện được ngay.
“Điều khoản quy định trách nhiệm cho địa phương, ngoài phân cấp Nghị định sẽ gắn với trách nhiệm địa phương, từng địa phương sẽ chịu trách nhiệm quản lý phân bón. Nếu để xảy ra tình trạng phân bón giả, kém chất lượng hoặc phân bón không rõ nguồn gốc và để tràn lan thì địa phương hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Ủy ban Nhân dân tỉnh và trước Chính phủ. Vì về mặt nguyên tắc, đã được phân quyền thì phải gắn với trách nhiệm quản lý hiệu quả nhất,” Cục trưởng Hoàng Trung nói rõ.
Cục trưởng Hoàng Trung cũng cho biết, đối với những điều khoản mới trong Nghị định này, thì trong điều khoản trực tiếp đều có thời gian để các địa phương chuẩn bị về nguồn lực và con người để làm sao khi phân cấp xuống các địa phương có nguồn lực để thực hiện ngay. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ có văn bản hướng dẫn để các địa phương thực hiện có hiệu quả nhất, chính xác nhất và cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các cơ sở buôn bán thực hiện.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh cũng đồng tình với quan điểm về việc phân cấp và gắn trách nhiệm của địa phương vào việc quản lý phân bón của bản dự thảo.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng cho biết, Chính phủ đã đồng ý giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng và trình Nghị định này theo trình tự rút gọn. Bộ cũng đã giao cho Cục Bảo vệ thực vật là đơn vị đầu quản lý và xây dựng Nghị định và hiện nay tất cả các bước đã được các đơn vị tham mưu cho Bộ và thực hiện xong.
Theo đó, Cục trưởng Hoàng Trung cũng cho biết, hiện bản dự thảo đang trong quá trình lấy ý kiến và tiếp tục hoàn thiện theo đúng lộ trình quy định. Sau khi dự thảo hoàn tất và lấy ý kiến đủ 3 vùng Bắc, Trung, Nam, Cục sẽ hoàn thiện dự thảo và gửi cho Bộ Tư pháp thẩm định và trình lên Chính phủ.
“Dự kiến trong tháng Sáu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ trình Chính phủ Nghị định mới về quản lý phân bón và khi có ý kiến thông qua, Nghị định sẽ có hiệu lực ngay kể từ ngày ban hành,” Cục trưởng Hoàng Trung cho biết.
Theo nội dung Công văn Chính phủ cũng đề nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẩn trương rà soát, nghiên cứu soạn thảo nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định 202 về quản lý phân bón để trình Chính phủ trong tháng 6/2017. Đồng thời Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chuyển giao hồ sơ xây dựng dự thảo nghị định cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để nghiên cứu, tiếp thu.
Trước đây, lĩnh vực phân bón vô cơ do Bộ Công Thương quản lý, còn Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý phân bón hữu cơ và các loại phân bón khác. Việc hai bộ cùng quản lý lĩnh vực phân bón đã nảy sinh nhiều bất cập, chồng chéo trong quản lý. Do vậy, tháng 11/2016, Hiệp hội Phân bón Việt Nam có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị, giao việc quản lý ngành phân bón cho một Bộ.
Để quản lý ngành phân bón, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã thống nhất chủ trương giao cho Cục Bảo vệ thực vật thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho Bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phân bón./.