Ngày 3/4, báo cáo mới nhất của Chương trình Giám sát nguồn nước, vệ sinh và môi trường của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) (gọi tắt là Chương trình JMP) cho biết Việt Nam đang thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường và xử lý tiêu hủy rác thải y tế, số liệu trong báo cáo cho thấy 96% các cơ sở y tế đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường cải thiện và 70% có xử lý rác thải an toàn. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng gần một nửa các cơ sở y tế ở Việt Nam còn thiếu các công trình nước sạch cơ bản.
Báo cáo của Chương trình JMP với tên gọi “Nước sạch, vệ sinh và môi trường trong các cơ sở y tế,” là một đánh giá toàn cầu toàn diện đầu tiên về tình trạng nước sạch, vệ sinh và môi trường trong các cơ sở y tế.
Báo cáo trên thế giới, cứ 4 cơ sở y tế thì có 1 cơ sở thiếu những công trình nước sạch cơ bản và cứ 5 cơ sở y tế thì 1 cơ sở không có công trình vệ sinh, làm ảnh hưởng đến 1,5 tỷ người trên thế giới.
[Ứng dụng thay khớp gối loại mới nhất với tuổi thọ tới 15 năm]
Báo cáo cũng cho thấy rằng nhiều cơ sở y tế còn thiếu những công trình cơ bản để rửa tay, cũng như phân loại riêng và tiêu hủy rác thải y tế.
Những công trình này đóng vai trò hết sức quan trọng đối với việc phòng ngừa lây nhiễm, giảm tình trạng kháng thuốc và mang lại dịch vụ chăm sóc y tế có chất lượng, đặc biệt là cho việc sinh nở an toàn.
Tổng thư ký Liên hợp quốc ông António Guterres nhận định: “Nước sạch, vệ sinh và môi trường trong các cơ sở y tế là những yêu cầu cơ bản nhất để có thể phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm, đảm bảo chăm sóc y tế có chất lượng. Những yếu tố này mang tính căn bản, thiết yếu, thể hiện sự tôn trọng phẩm giá và quyền con người của những người cần chăm sóc y tế và của chính các cán bộ y tế.”
Ông António Guterres kêu gọi tất cả mọi người ủng hộ các hành động vì nước sạch, vệ sinh và môi trường trong tất cả các cơ sở y tế. Đây là hành động thiết yếu để đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững.
Báo cáo của chương trình JMP “Nước sạch, vệ sinh và môi trường trong các cơ sở y tế” chỉ ra rằng hơn một nửa (55%) các cơ sở y tế ở các quốc gia kém phát triển nhất có công trình nước sạch cơ bản.
Ước tính trên thế giới mỗi năm có 17 triệu phụ nữ ở các quốc gia kém phát triển sinh nở tại các cơ sở y tế không có đủ nước sạch, điều kiện vệ sinh và môi trường không đảm bảo.
“Khi một đứa trẻ được sinh ra tại một cơ sở y tế không có đủ nước sạch và điều kiện vệ sinh môi trường nghèo nàn, nguy cơ lây nhiễm và tử vong đối với cả bà mẹ và trẻ sơ sinh rất cao,” Giám đốc điều hành UNICEF Bà Henrietta Fore nhận định. “Mỗi đứa trẻ sinh ra đời cần phải được hỗ trợ bởi những bàn tay an toàn, được rửa sạch với xà phòng và nước sạch, sử dụng các trang thiết bị tiệt trùng, trong một môi trường sạch sẽ.”
Báo cáo “Nước sạch, vệ sinh và môi trường trong các cơ sở y tế: Các bước thiết thực để đạt được tiếp cận chăm sóc sức khỏe toàn dân có chất lượng” của WHO và UNICEF cũng đề ra chi tiết 8 hành động mà các chính phủ cần thực hiện để cải thiện các dịch vụ nước sạch, vệ sinh môi trường trong các cơ sở y tế như xây dựng kế hoạch và mục tiêu quốc gia, cải thiện cơ sở vật chất và công tác duy trì, vận động người dân vào cuộc.
Những hành động này cùng với các dịch vụ, công trình nước sạch, vệ sinh và môi trường được cải thiện có thể đem lại những lợi ích đầu tư rất lớn như sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh được cải thiện, phòng ngừa kháng thuốc, chấm dứt dịch bệnh và nâng cao chất lượng chăm sóc y tế.
Theo UNICEF, trong năm 2017, 7.000 trẻ sơ sinh tử vong mỗi ngày, chủ yếu là vì các lý do có thể phòng ngừa được hoặc các bệnh có thể chữa trị được như nhiễm trùng.
Trong chiến dịch Mọi trẻ em đều được sống Every Child Alive Campaign của mình, UNICEF đang kêu gọi các chính phủ và chính quyền hành động để đảm bảo rằng mọi bà mẹ và trẻ sơ sinh đều được tiếp cận với chăm sóc y tế có chất lượng với giá thành hợp lý./.