Gắn kết mối quan hệ giữa điện ảnh Pháp và Việt Nam

Trong lịch sử giao lưu văn hóa Việt-Pháp lâu dài, điện ảnh Pháp và điện ảnh Việt Nam luôn có những mối quan hệ chặt chẽ, nhiều ý nghĩa.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường phát biểu. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường phát biểu. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Trong khuôn khổ Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần 2 (DANAFF 2), sáng 3/7, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng phối hợp với Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam tổ chức Hội thảo Điện ảnh Pháp và mối quan hệ với điện ảnh Việt Nam. Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia về điện ảnh của Pháp và Việt Nam tham dự.

Tại hội thảo, các chuyên gia, đại biểu thảo luận trong hai phiên (Phiên 1: Điện ảnh Pháp và mối quan hệ với điện ảnh Việt Nam; Phiên 2: Giao lưu, hợp tác điện ảnh Pháp-Việt: những vấn đề liên ngành và liên văn hóa), với nhiều chủ đề như: Điện ảnh Pháp, điện ảnh Việt Nam, góc nhìn từ hai phía; Điện ảnh Pháp về đề tài Việt Nam - những cuộc trở về ký ức; sản xuất phim nghệ thuật trong bối cảnh toàn cầu hóa: kinh nghiệm của Pháp và những gợi ý cho điện ảnh Việt Nam; những ảnh hưởng của điện ảnh "Làn sóng mới" Pháp; phong cách phim Varan (dòng phim được làm theo phong cách điện ảnh trực tiếp) và những ảnh hưởng từ điện ảnh tài liệu Pháp đến điện ảnh tài liệu Việt Nam...

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng cho rằng, Pháp là nền điện ảnh lớn và có bề dày lịch sử không chỉ của châu Âu mà còn của thế giới. Trong lịch sử giao lưu văn hóa Việt-Pháp lâu dài, điện ảnh Pháp và điện ảnh Việt Nam luôn có những mối quan hệ chặt chẽ, nhiều ý nghĩa.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng hy vọng, hội thảo là dịp để các nghệ sỹ, nhà làm phim Việt Nam cùng trao đổi, học hỏi những kinh nghiệm sản xuất, phát hành phim, các vấn đề về kỹ xảo điện ảnh, hậu kỳ; đồng thời giới thiệu hoạt động kinh doanh nhằm tìm ra nhu cầu, lĩnh vực hợp tác điện ảnh giữa Việt Nam và Pháp trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa.

Trình bày nội dung "Điện ảnh Pháp về đề tài Việt Nam - những cuộc trở về kí ức," ông Trần Hinh, giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng ngay từ sau khi xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp đã ban hành một số chính sách phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa. Về văn hóa, việc cho phát hành một số phim tài liệu ban đầu vẫn còn rất dè dặt, hạn chế. Từ khoảng những năm 20 của thế kỷ 20, người Pháp mới bắt đầu tiến hành thực hiện một số phim truyện ngắn về đề tài Việt Nam, trong đó có một số phim đáng chú ý như: "Kim Vân Kiều" (1924), "Toufou" (1925), "Huyền thoại Bà Đế" (1927), "Săn cọp ở An Nam" (1936)... Điện ảnh Pháp về đề tài Việt Nam chỉ thực sự bùng nổ kể từ sau năm 1991, với "Người tình" của đạo diễn Jean-Jacques Annaud, dựa trên tác phẩm cùng tên của nữ văn sỹ M.Duras.

Theo ông Trần Hinh, qua một số phim truyện điện ảnh về đề tài Việt Nam, người Pháp đã có cái nhìn thiện cảm hơn với đất nước Việt Nam. Ngược lại khán giả Việt Nam cũng có cái nhìn tích cực và cởi mở hơn với người Pháp. Lịch sử về mối quan hệ Pháp Việt kể từ đây đã được mở sang một trang mới tốt đẹp.

ttxvn_dien_anh_phap_va_moi_quan_he_voi_dien_anh_viet_nam_2.jpg
NSND Như Quỳnh phát biểu. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Bàn về trào lưu "Làn sóng mới Pháp và những ảnh hưởng đến điện ảnh Việt Nam," Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Cẩm Giang, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, cuối thập niên 50, đầu thập niên 60 của thế kỷ 20, một thế hệ mới các nhà đạo diễn sinh ra trước chiến tranh và trưởng thành ở Paris đã chủ trương một cuộc cách mạng trong văn hóa "làm phim" cũng như văn hóa "xem phim" hiện thời của nước Pháp.

"Làn sóng mới (Nouvelle Vague)" là cái tên mà thế giới đặt cho họ và cũng là lời hiệu triệu nhiệt thành mà họ dành cho thế giới. Đóng góp độc đáo trước tiên của trào lưu này là sự nhấn mạnh phong cách cá nhân trên cả phong cách trào lưu. Điểm gặp gỡ lớn nhất giữa các đạo diễn độc lập Việt Nam (Síu Phạm, Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp...) và các đạo diễn "Làn sóng mới" chính là việc đuổi theo ý tưởng, thường lỏng về nội dung tự sự, sự khước từ dứt khoát hay phóng khoáng, trẻ trung, bứt phá trong ngôn ngữ điện ảnh. Đạo diễn phải biết cách kể chuyện bằng hình ảnh, bằng các chất liệu chuyên biệt của điện ảnh như âm thanh, góc máy, ánh sáng, ngôn ngữ trình diễn...

Các bộ phim độc lập Việt Nam có sự gần gũi và chia sẻ đặc biệt với hệ thống phim "Làn sóng mới." Phim của họ thường phức tạp và tản mát về cốt truyện, các đường dây không dễ nắm bắt và theo dõi, mối liên hệ không nằm trên bề mặt các sự kiện mà ẩn sâu dưới lớp lớp những biểu tượng, "ẩn ngữ điện ảnh."

Trên thực tế, các truyện phim "Làn sóng mới" thường lỏng lẻo trên bề mặt nhưng lại rất chặt chẽ, dính kết bên trong. Tính "mạch ngầm văn bản," tính thách thức của tác phẩm cũng được tạo ra từ đó.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục