Gắn chữ ‘đường bảo hành 10 năm’ trên biển báo là không phù hợp quy định

Trước việc nhà thầu tố bị phá hoại xóa chữ đường bảo hành 10 năm trên biển báo hiệu đường bộ cao tốc, cơ quan quản lý Nhà nước đã chính thức có thông tin về vấn đề này.

Một biển báo đúng quy chuẩn trên tuyến cao tốc Nghi Sơn-Diễn Châu. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Một biển báo đúng quy chuẩn trên tuyến cao tốc Nghi Sơn-Diễn Châu. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Liên quan đến sự việc Tập đoàn Sơn Hải gửi đơn tố cáo tới cơ quan công an về việc các biển báo do nhà thầu này thi công trên tuyến cao tốc Nghi Sơn-Diễn Châu bị phá hoại, phía Cục Đường bộ Việt Nam nhấn mạnh nhà thầu tự ý dán thêm chữ vào các biển báo, biển chỉ dẫn giao thông là không đúng với quy chuẩn quốc gia, hồ sơ thiết kế dự án…

Gắn chữ vào là không đúng quy chuẩn

Dẫn giải theo quy định tại Nghị định số 06/2021/NĐ-CP, thời hạn bảo hành công trình nhóm A trở lên không thấp hơn 24 tháng, ông ông Lê Hồng Điệp, Trưởng phòng Quản lý tổ chức giao thông (Cục Đường bộ Việt Nam) đánh giá việc nhà thầu cam kết với chủ đầu tư bảo hành tuyến đường 10 năm là rất đáng hoan nghênh.

Tuy nhiên, ông Điệp cho rằng tại điểm b khoản 1 điều 45 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định “biển báo hiệu đường bộ” thuộc về công trình báo hiệu đường bộ; tại Khoản 3 điều 45 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: “Không được gắn vào công trình báo hiệu đường bộ các nội dung không liên quan tới ý nghĩa, mục đích của công trình báo hiệu đường bộ”, do vậy, việc gắn chữ “đoạn đường Sơn Hải bảo hành 10 năm” trên biển báo hiệu đường bộ cao tốc là không phù hợp quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008.

Hiện nay, quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 41:2019 về báo hiệu đường bộ thì trên các biển báo hiệu không có quy định ghi thời gian bảo hành công trình hoặc cam kết về thời gian bảo hành công trình. Mặt khác, Luật Xây dựng và Nghị định số 06/2021/NĐ-CP quy định khác của pháp luật xây dựng cũng không có quy định về việc phải gắn biển cam kết bảo hành trên công trình xây dựng.

vnp_cao toc khai thac 0909.JPG
Các biển báo hiệu đường bộ trên tuyến cao tốc đều phải thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

“Dự án cao tốc Nghi Sơn-Diễn Châu được thực hiện theo hình thức đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước của Nhà nước do đó theo quy định của Nghị định số 44/2024/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nêu rõ: 'dự án xây dựng đầu tư sử dụng vốn Nhà nước thì công trình xây dựng hoàn thành được hình thành từ vốn của Nhà nước, sau khi hoàn thành dự án đầu tư xây dựng phải lập hồ sơ tài sản và giao cơ quan Nhà nước quản lý tài sản'. Nhà thầu xây lắp ký hợp đồng thi công sau khi hoàn thành đã được nghiệm thu, chủ đầu tư thanh toán chi phí nên công trình đó là của Nhà nước,” ông Điệp quả quyết.

Hơn nữa, theo quy định của khoản 5 điều 28 Nghị định số 11/2010/ NĐ-CP về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ, hành lang an toàn đường cao tốc không được lắp đặt biển quảng cáo; điều 18 Luật Đường bộ mới được Quốc hội thông qua ngày 27/6/2024 cũng quy định không được lắp biển quảng cáo vào hành lang an toàn đường cao tốc.

“Tổ chức, cá nhân có các hành động, việc làm có ích lợi cho Nhà nước, xã hội và cộng đồng, trong đó cam kết bảo hành công trình xây dựng 10 năm là rất đáng biểu dương, hoan nghênh, vinh danh, tuy nhiên mọi việc làm cũng cần phù hợp quy định chung của Hiến pháp và pháp luật,” ông Điệp khẳng định.

Không nhận được thông báo từ cơ quan chức năng

Về vấn đề này, ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải cho biết Tập đoàn Sơn Hải luôn mong muốn đưa chất lượng công trình giao thông Việt Nam lên tầm cao mới, vì vậy từ năm 2014, Sơn Hải đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải về việc xin bảo hành công trình 5 năm. Năm 2022, Tập đoàn tiếp tục có văn bản gửi Bộ cam kết bảo hành 10 năm với các dự án cao tốc do đơn vị thực hiện.

Riêng với dự án thành phần Nghi Sơn-Diễn Châu, Tập đoàn Sơn Hải có trách nhiệm bảo hành 10 năm đoạn tuyến từ Km380+000-Km385+200 thuộc gói thầu XL01, Dự án cao tốc Nghi Sơn-Diễn Châu. Trong nội dung hợp đồng đã ghi rõ về việc bảo hành 10 năm và việc làm biển báo để người dân giám sát là để cam kết, không phải quảng cáo. 9 biển bảo hành này là sở hữu của Tập đoàn Sơn Hải, vì Tập đoàn tự bỏ chi phí ra thực hiện. Những biển báo này không phải biển báo giao thông mà là biển cam kết bảo hành 10 năm, còn nếu là biển báo giao thông thì phải chi phí phải được Nhà nước thanh toán.

vidifi.jpg
Cơ quan chức năng sửa dòng chữ không đúng quy định trên biển báo.

Bày tỏ rất bất ngờ khi việc xoá bỏ dòng chữ “Tập đoàn Sơn Hải bảo hành 10 năm” thực hiện theo chỉ đạo của Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng và Cục Đường bộ Việt Nam, theo ông Hải, trước khi các biển báo bị xóa bỏ dòng chữ này, doanh nghiệp chưa nhận được thông báo từ cơ quan chức năng. Nếu biết việc xóa bỏ dòng chữ trên biển báo là do Khu Quản lý đường bộ 2 thực hiện, Tập đoàn sẽ không gửi đơn ra công an.

“Trường hợp Tập đoàn Sơn Hải cắm biển chưa phù hợp với quy định hiện hành, cơ quan quản lý cần có văn bản đề nghị xử lý hoặc hướng dẫn điều chỉnh phù hợp,” ông Hải chia sẻ./.

Dự án Cao tốc Nghi Sơn-Diễn Châu đã được thông xe vào ngày 1/9/2023. Tuyến cao tốc này dài 50km đi qua hai tỉnh Thanh Hóa khoảng 6,5km và Nghệ An là 43,5km với tổng mức đầu tư khoảng 7.293 tỷ đồng.

Trong giai đoạn phân kỳ, dự án này được thi công xây dựng với quy mô 4 làn xe, nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80km/giờ. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ nâng lên 6 làn xe, nền đường 32,25m, vận tốc thiết kế từ 100-120km/giờ.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục