Ngày 14/6, Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ công bố đặt tên cầu Thủ Thiêm và cầu Ba Son.
Việc công bố đặt tên cầu Ba Son và Thủ Thiêm nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 60/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ngày 9/12/2022 về đặt tên 2 cầu bắc qua sông Sài Gòn nằm trên địa bàn Quận 1 và quận Bình Thạnh.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết địa danh Ba Son và Thủ Thiêm gắn với quá trình hình thành phát triển của vùng đất Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh và đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân nơi đây.
[TP.HCM: Đặt tên Thủ Thiêm và Ba Son cho 2 cây cầu bắc qua sông Sài Gòn]
Việc dùng địa danh Thủ Thiêm và Ba Son để đặt tên 2 cây cầu bắc qua sông Sài Gòn nhằm tạo sự kết nối giữa xưa và nay trong lòng đô thị mang tên Bác, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử-văn hóa, nâng cao tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các hoạt động giao dịch kinh tế, văn hóa-xã hội, góp phần phát triển khu phía Đông Thành phố.
Với ý nghĩa đó, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị ngành giao thông vận tải làm tốt công tác duy tu, bảo trì... để hai công trình thực sự trở thành điểm nhấn trong không gian kiến trúc cảnh quan đô thị, luôn là điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước.
Tại khu vực chân cầu Ba Son và Thủ Thiêm, các đại biểu đã thực hiện nghi thức gắn biển tên cầu.
Cụ thể, cầu Thủ Thiêm 1 nối đường Ngô Tất Tố, Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) với đường Nguyễn Cơ Thạch, Khu đô thị mới Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức) được chính thức gắn biển mang tên Thủ Thiêm.
Cầu có tổng chiều dài 1.250m gồm 6 làn xe, kinh phí đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.
Cầu Thủ Thiêm 2 được gắn biển mang tên cầu Ba Son.
Cầu kết nối đường Tôn Đức Thắng (Quận 1) đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức) có chiều dài hơn 1.400m, với tổng kinh phí đầu tư hơn 3.100 tỷ đồng; được thiết kế độc đáo với dây văng được xem là cổng chào từ trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh qua Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Đại diện Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức lý giải, tên gọi Thủ Thiêm đã xuất hiện từ cuối thế kỷ 18. Trong đó, Thủ là đồn canh dưới thời phong kiến và cũng là chức vụ để chỉ người đứng đầu một tổ chức, đơn vị hành chính.
Chính quyền thời ấy đã cho lập đồn binh ở Thủ Thiêm để kiểm soát việc đi lại trên sông Sài Gòn. Chữ Thiêm có thể do tên người chỉ huy đồn binh thời ấy.
Tên gọi Ba Son có từ năm 1790, khi chúa Nguyễn Ánh đặt trại thủy quân và xây dựng “xưởng thủy” bên sông Sài Gòn. Ba Son được ghi dấu là cái nôi của ngành công nghiệp đóng tàu và sửa chữa tàu thủy của Việt Nam.
Ngoài ra, tên gọi này cũng gắn liền với cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, là niềm tự hào của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam./.