Bộ Y tế Malaysia (MOH) thông báo tính đến ngày 22/10, tổng cộng 22.109.534 người ở nước này - tương đương 94,4% dân số trưởng thành - đã hoàn thành tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, với 157.999 liều vaccine được sử dụng trong ngày 22/10, tổng số vaccine ngừa COVID-19 mà Malaysia đã sử dụng kể từ khi bắt đầu chương trình tiêm chủng quốc gia vào ngày 24/2 đến nay đã đạt 48.831.214 liều.
Hiện 2,54 triệu trẻ vị thành niên từ 12-17 tuổi - tương đương 80,8% nhóm dân số độ tuổi này - đã tiêm ít nhất một mũi vaccine, trong đó 1.456.265 trẻ đã tiêm chủng đủ liều.
Ngày 23/10, Malaysia ghi nhận 5.828 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 2,426 triệu ca.
Theo Tổng Thư ký MOH Noor Hisham Abdullah, hiện có 80.697 người ở Malaysia có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 6,631 bệnh nhân phải nhập viện.
[Malaysia và Iran nới lỏng hạn chế khi tình hình dịch bệnh lắng dịu]
Cùng ngày 23/10, Hàn Quốc thông báo nước này đã đạt mục tiêu 70% trong tổng số 52 triệu dân tiêm phòng COVID-19, mở đường cho việc trở lại cuộc sống bình thường mới vào tháng tới theo kế hoạch.
Theo Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), mục tiêu trên được đề ra một tháng trước khi nước này bắt đầu chương trình tiêm chủng quốc gia vào cuối tháng 2 vừa qua.
Tính đến 14 giờ ngày 23/10 theo giờ địa phương, khoảng 36 triệu người ở Hàn Quốc đã tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Trong tuyên bố, KDCA nêu rõ: "Việc đáp ứng mục tiêu tiêm chủng có ý nghĩa quan trọng để giảm số ca bệnh nặng và tử vong do COVID-19, và là điều kiện tiên quyết để chuyển sang khôi phục cuộc sống thường nhật theo giai đoạn."
Hàn Quốc đang từng bước loại bỏ các biện pháp hạn chế được áp đặt phòng chống COVID-19 để trở lại trạng thái bình thường mới vào đầu tháng 11 tới.
Kế hoạch này đang được Hàn Quốc triển khai một cách thận trọng và chính phủ dự kiến áp dụng “thẻ vaccine,” theo đó sẽ cho phép những người tiêm chủng đầy đủ được tiếp cận không hạn chế các dịch vụ, trước tiên là các sự kiện thể thao.
Kế hoạch hướng tới “sống chung với COVID-19” được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt những tác động tiêu cực của đại dịch kéo dài, ảnh hưởng tới tình trạng bất ổn tâm lý ở một bộ phận người dân, đồng thời giảm thiểu những thiệt hại tài chính mà dịch bệnh gây ra đối với các doanh nghiệp nhỏ và giới thương nhân./.