Gần 900 chỉ tiêu tuyển sinh và tuyển dụng cho người khuyết tật

Ngày hội việc làm hòa nhập người khuyết tật ở Hà Nội đã thu hút 32 cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp tham gia và tuyển dụng 350-400 lao động là người khuyết tật, tuyển sinh học nghề cho khoảng 500 người.
Tư vấn việc làm cho người khuyết tật. (Ảnh minh họa: Hồng Kiều/Vietnam+)

Sáng ngày 15/4 tại Hà Nội, Hội Liên hiệp thanh niên thành phố Hà Nội, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên Hà Nội và Hội người khuyết tật Hà Nội đã tổ chức “Ngày hội việc làm hòa nhập người khuyết tật lần thứ 5 năm 2016” và kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Hội Người khuyết tật Hà Nội.

Đây là sự kiện hưởng ứng Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4, nhằm thúc đẩy sự quan tâm của toàn xã hội đến người khuyết tật, trách nhiệm của các cơ quan, đoàn thể các cấp đối với việc hướng nghiệp, dạy nghề và tạo việc làm cho thanh niên khuyết tật. Thông điệp của sự kiện là “Hướng tới xã hội hòa nhập, không rào cản và tôn trọng quyền của người khuyết tật.”

Ngày hội cũng nhận được sự hưởng ứng của 32 cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp tuyển dụng 350-400 lao động là người khuyết tật và tuyển sinh học nghề cho khoảng 500 người. Ban tổ chức đã công bố khai giảng, đào tạo 3 lớp học nghề may công nghiệp cho 60 học viên và một lớp học nghề tin học văn phòng cho 20 học viên là người khuyết tật.

Sản phẩm của các cơ sở sản xuất của người khuyết tật cũng sẽ được quảng bá và giới thiệu tại ngày hội. Tọa đàm “Mô hình doanh nghiệp tạo việc làm của người khuyết tật” và các chế độ, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến người khuyết tật.

Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 6 triệu người khuyết tật, trong số đó có khoảng 30% vẫn có sức khỏe và có mong muốn tìm việc làm để có thu nhập nuôi sống bản thân, giúp đỡ gia đình và hòa nhập với cộng đồng. Tuy nhiên, số người khuyết tật được học nghề hiện còn quá ít so với nhu cầu. Tỷ lệ người khuyết tật tìm được việc làm sau đào tạo nghề còn thấp, người khuyết tật vẫn rất khó tìm được việc làm bởi nhiều doanh nghiệp không mặn mà với việc tuyển dụng lao động là người khuyết tật.

Bà Dương Thị Vân, Chủ tịch Hội Người khuyết tật Hà Nội cho rằng người khuyết tật phải nỗ lực vươn lên, khắc phục bỏ qua những khiếm khuyết trên cơ thể chứng minh được năng lực để hòa nhập vào thị trường lao động. Đặc biệt, phía doanh nghiệp cũng cần tạo cho họ cơ hội bình đẳng trong tuyển dụng, không có sự phân biệt và cần nhìn nhận năng lực thực sực của người khuyết tật./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục