Gần 90% người dân đồng ý vị trí đặt ga tàu điện ngầm ở Hồ Gươm

Sau 10 ngày trưng bày, lấy ý kiến của nhân dân về vị trí đặt ga tàu điện ngầm C9-ga hồ Hoàn Kiếm tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo, có tới 88% góp ý đồng ý với vị trí đưa ra.
Gần 90% người dân đồng ý vị trí đặt ga tàu điện ngầm ở Hồ Gươm ảnh 1Người dân đến xem trưng bày và góp ý về vị trí đặt ga tàu điện ngầm C9-ga hồ Hoàn Kiếm của tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Sau 10 ngày trưng bày, lấy ý kiến của nhân dân về vị trí đặt ga tàu điện ngầm C9-ga hồ Hoàn Kiếm của tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo, ông Lê Trung Hiếu, Phó trưởng Ban Quản lý Đường sắt Hà Nội cho biết, có tới 88% số người tham gia góp ý đã đồng ý với vị trí đưa ra.

[Người Hà Nội thích thú đi xem trưng bày ga tàu điện ngầm Hồ Gươm]

Theo thống kê của Ban Quản lý Đường sắt Hà Nội, gần 60% ý kiến đóng góp trong độ tuổi từ 22 đến 60 tuổi, và khoảng 36% là lứa tuổi trên 60. Trong đó, người Việt Nam chiếm 88% và tỷ lệ người nước ngoài tham gia góp ý khá bất ngờ ở mức 12%.

Trong số những người tham gia góp ý những ngày qua, có tới 39% là của người địa phương, sinh sống gần khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm, nơi đặt vị trí ga ngầm C9 của tuyến đường sắt Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo, 49% là khách tham quan, du lịch và 12% là làm việc.

Theo kế hoạch, đợt trưng bày, lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về vị trí và quy hoạch tổng thể mặt bằng ga ngầm C9 sẽ được phía Ban Quản lý Đường sắt tổ chức từ ngày 9-31/3.

Được biết, ga ngầm C9, tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo được đề xuất đặt tại vị trí Km9+864,645, trong khu vực khuôn viên công viên Bờ hồ Hoàn Kiếm.

[Hà Nội trưng bày ga tàu điện ngầm Hồ Gươm để lấy ý kiến người dân]

Nhà ga chính được bố trí ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng, phần dưới vườn hoa bờ hồ Hoàn Kiếm có kích thước dài 150m, rộng 21,4m, sâu 17,45m và có 3 tầng (tầng trung chuyển, tầng thiết bị và tầng ke ga). Khoảng cách ngắn nhất từ thân ga C9 tới Hồ Gươm là khoảng 10m, tới tượng đài Cảm tử 81m, đến đền Bà Kiệu 83m, đến Tháp Bút 36m, tới vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ 120m. Theo thiết kế ban đầu, ga ngầm C9 sẽ có 4 cửa lên xuống.

Lãnh đạo Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, tuyến đường sắt đô thị số 2 đã được tính toán để kết nối với các tuyến số 1 và 3.

Cụ thể, ga C8 của tuyến số 2, tại phố Hàng Đậu sẽ tiếp nhận và trung chuyển hành khách với tuyến số 1 Ngọc Hồi-Như Quỳnh. Ga C10 tại khu vực phố Hàng Bài sẽ kết nối với tuyến số 3 Nhổn-Hoàng Mai.

Vì vậy, ga C9 ở giữa có tính chất kết nối cả 3 tuyến đường sắt đô thị trên. Do đó, ga C9 buộc phải khống chế vị trí trên đường Đinh Tiên Hoàng để đảm bảo khoảng cách giữa ga C9 đến 2 ga còn lại không quá 1km, thuận tiện cho người dân di chuyển, tiếp cận cả 3 tuyến đường sắt này.

Theo phương án đã phê duyệt, tuyến đường sắt dài 11,5km (đoạn trên cao khoảng 2,6km, đoạn ngầm gần 9km). Khu Depot rộng 17,5ha tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm. Toàn tuyến có 10 nhà ga, gồm 3 ga trên cao và 7 ga ngầm.

Tổng đầu tư của dự án điều chỉnh là 34.678 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách Nhà nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục