Gần 80.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong bảy tháng

Nhật Bản tiếp tục là thị trường dẫn đầu trong tiếp nhập lao động Việt Nam và với bản ghi nhớ hợp tác vừa được ký kết, lao động sang Nhật Bản làm việc sẽ có mức lương, đãi ngộ tốt hơn.
Gần 80.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong bảy tháng ảnh 1Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, trong bảy tháng, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 79.428 lao động (26.287 lao động nữ) đạt 66,19% kế hoạch năm 2019. Năm 2019, kế hoạch xuất khẩu lao động là 120.000 người.

Trong bảy tháng, Nhật Bản là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất với 39.542 lao động (14.190 lao động nữ), tiếp theo là Đài Loan (Trung Quốc) 32.259 lao động, Hàn Quốc 4.393 lao động, Romania 1.067 lao động, Saudi Arabia 706 lao động Malaysia 300 lao động Algeria 256 lao động nam, Macau 196 lao động và các thị trường khác.

Gần 80.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong bảy tháng ảnh 2

Chỉ riêng trong tháng Bảy, số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 11.598 lao động (4.544 lao động nữ), bằng 95,67% so với cùng kỳ năm ngoái, gồm các thị trường: Nhật Bản: 5.993 lao động, Đài Loan  (Trung Quốc) 4.275 lao động, Hàn Quốc  872 lao động, Saudi Arabia 131 lao động , Ba Lan 47 lao động  và các thị trường khác.

Cũng trong tháng Bảy, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã thông báo triển khai chương trình tuyển điều dưỡng sang Đức, chương trình lao động kết hợp kỳ nghỉ tại Australia, lao động thời vụ tại Hàn Quốc.

[Quản trị tốt di cư lao động là cơ chế giảm cưỡng bức lao động]

Đặc biệt, trong ngày 1/7, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Việt Nam Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nhật Bản Yamashi Takashi đã cùng trao Bản ghi nhớ hợp tác (MOC) về khung pháp lý cơ bản để thực hiện đúng chương trình “lao động kỹ năng đặc định”. Bản ghi nhớ này mở ra thêm nhiều cơ hội việc làm thu nhập tốt tại Nhật Bản cho lao động Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục