Gần 70.000ha ở Nam Trung Bộ cần chuyển đổi sản xuất do hạn hán

Khu vực Nam Trung Bộ khả năng có khoảng từ 51.000-70.000 ha diện tích canh tác không đủ nguồn nước tưới, cần điều chỉnh giảm diện tích, giãn vụ hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Các con kênh thuộc hệ thống sông Biêu, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận cạn khô nước do hạn hán kéo dài. (Ảnh: TTXVN)

Theo Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, do mùa khô trong khu vực Nam Trung Bộ kéo dài đến hết tháng 8/2020, với tình hình khí tượng thủy văn, nguồn nước trữ trong các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, khả năng có khoảng từ 51.000-70.000 ha diện tích canh tác không đủ nguồn nước tưới, cần điều chỉnh giảm diện tích, giãn vụ hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. 

Khu vực Nam Trung Bộ dự kiến kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu khoảng 370.000ha; trong đó cây lúa là 172.900ha, hiện đã gieo cấy khoảng 49.060 ha, đạt 28,4% lúa. 

Diện tích trên chiếm khoảng 13-19% diện tích gieo trồng vụ Hè Thu hàng năm, thấp hơn vụ Hè Thu năm 2015 (dừng sản xuất 22.000 ha và bị hạn cuối vụ 74.000 ha) nhưng cao hơn vụ Hè Thu năm 2016 (dừng sản xuất 13.500ha và bị hạn cuối vụ 44.000 ha).  

Riêng tỉnh Ninh Thuận, dự kiến vụ Hè Thu 2020 trên địa bàn tỉnh chỉ sản xuất tại các hệ thống sử dụng nước sau thủy điện Đa Nhim với tổng diện tích sản xuất từ 10.000-13.000 ha (gồm khoảng 5.500-8.500 ha lúa và 4.500ha mầu, thủy sản). 

Toàn bộ khu tưới của 21 hồ chứa và các đập dâng nhỏ của Ninh Thuận, Tổng cục Thủy lợi kiến nghị giãn lịch thời vụ đợi mưa, nguồn nước hiện tại ưu tiên cấp nước sinh hoạt, chăn nuôi. Tổng diện tích kiến nghị giãn vụ đợi mưa là khoảng 13.000-15.000 ha (chiếm khoảng 52- 60% diện tích gieo trồng của địa phương), khi đảm bảo nguồn nước mới tiến hành xuống giống.

Tỉnh Bình Thuận dự kiến chỉ đủ nước bố trí sản xuất cho diện tích khoảng 12.500 ha lúa khu vực các huyện Đức Linh và Tánh Linh, chủ yếu diện tích thuộc hệ thống đập dâng Tà Pao và 17 trạm bơm dọc sông La Ngà sử dụng nguồn nước hồ thủy điện Hàm Thuận-Đa Mi. Các vùng khác chưa có khả năng xuống giống vụ Hè Thu 2020.

[Hình ảnh về những cánh đồng khát cháy nơi 'chảo lửa' Ninh Thuận]

Theo ông Lương Văn Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, nguồn nước còn lại tại các hồ chứa thủy lợi và thủy điện Đại Ninh cần ưu tiên đảm bảo cấp cho sinh hoạt, chăn nuôi và diện tích thanh long từ nay đến cuối mùa khô.

Địa phương tạm thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho diện tích khoảng 30.000 ha lúa (chiếm 22-37% diện tích) theo hình thức giãn vụ đến cuối tháng 6 nhằm chờ mưa, khi đảm bảo nguồn nước mới tiến hành xuống giống.

Ứng phó với hạn hán, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã thống nhất và ban hành thông báo lịch điều tiết nước phục vụ sản xuất và dân sinh cho các hồ chứa thủy điện Đại Ninh, Đơn Dương, Hàm Thuận-Đa Mi, An Khê-Ka Nak.

Bộ tiếp tục theo dõi chặt chẽ việc vận hành các nhà máy thủy điện theo lịch điều tiết đã được thống nhất; tiếp tục xây dựng lịch điều tiết các hồ chứa thủy điện để phục vụ thủy lợi khi xảy ra hạn hán, thiếu nước theo đúng quy định hiện hành.

Bên cạnh việc tiếp tục theo dõi, cập nhật sát thông tin dự báo khí tượng, thủy văn; thông tin dự báo nguồn nước, Tổng cục Thủy lợi sẽ hướng dẫn, đôn đốc các địa phương xây dựng phương án, kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh theo hướng chủ động, linh hoạt, bố trí cơ cấu sản xuất, mùa vụ, thời điểm xuống giống lúa phù hợp; xác định từng vùng, số hộ khả năng thiếu nước sinh hoạt, xây dựng phương án cân đối cung cấp nước sinh hoạt cho từng cụm dân, xã huyện,.. bảo đảm không để người dân thiếu nước sinh hoạt.

Về lâu dài, Tổng cục Thủy lợi cập nhật, điều chỉnh quy hoạch tổng thể, quy hoạch thủy lợi phục vụ chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; điều chỉnh cơ cấu sản xuất, theo hướng chuyển dịch mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản để phù hợp với điều kiện nguồn nước, bảo đảm hiệu quả kinh tế và an sinh xã hội

Tổng cục Thủy lợi sẽ rà soát, đề nghị ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng các hệ thống thủy lợi, đặc biệt là công trình cấp nước; ưu tiên nguồn nước cấp cho sinh hoạt nông thôn; xây dựng phương án chuyển nước (bằng đường ống…) từ các công trình thủy lợi, từ khu vực có nguồn nước dồi dào về khu vực thiếu nước; tiếp tục hỗ trợ phát triển loại hình trữ, cấp nước quy mô hộ gia đình, cấp nước phân tán./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục