Gần 7.000 ca nhiễm mới COVID-19 tại Ấn Độ trong ngày 25/5

Sau khi ghi nhận thêm 6.977 ca, số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh xuất hiện trong nước, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 của Ấn Độ đã tăng lên 138.845 ca.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại New Delhi, Ấn Độ ngày 7/5/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 25/5, Ấn Độ ghi nhận số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong ngày cao kỷ lục.

Nước này vào tốp 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh.

Sau khi ghi nhận thêm 6.977 ca, số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh xuất hiện trong nước, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 của Ấn Độ đã tăng lên 138.845 ca.

Số ca nhiễm tăng nhanh bất chấp lệnh phong tỏa toàn quốc được áp dụng từ tháng Ba vừa qua.

[Dịch COVID-19: Tin vui từ hoạt động thử nghiệm thuốc điều trị]

Trong khi đó, số người tử vong vì dịch bệnh tại Ấn Độ đã là hơn 4.000 người.

Số ca nhiễm gia tăng nhanh trong khi nhiều doanh nghiệp và các hoạt động vận tải được nối lại tại Ấn Độ do nước này chuyển sang giai đoạn mới của lệnh phong tỏa toàn quốc.

Ngày 25/5 là ngày đầu tiên các chuyến bay nội địa Ấn Độ được phép hoạt động trở lại sau quyết định của chính phủ đưa ra tuần trước cho phép nối lại hoạt động hàng không nội địa. Ước tính, mỗi ngày sẽ có khoảng 1.050 chuyến bay nội địa.

Bộ trưởng Hàng không Ấn Độ ông Hardeep Singh Puri cho biết hành khách phải tuân thủ nghiêm túc các yêu cầu bắt buộc như đeo khẩu trang và quét thân nhiệt.

Dù chính quyền liên bang không yêu cầu các hành khách phải cách ly sau chuyến bay,  nhưng một số địa phương vẫn thực hiện các biện pháp cách ly kiểm dịch.

Ngoài việc nối lại vận tải hàng không nội địa, vận tải đường sắt trong nước cũng được vận hành trở lại.

Công ty Đường sắt Ấn Độ mới đây cho biết sẽ tăng thêm 2.600 chuyến tàu đặc biệt trong vòng 10 ngày tới để hỗ trợ đưa gần 3,5 triệu công nhân từ nhiều thành phố trở về nhà ở các vùng nông thôn.

Ấn Độ ban bố lệnh phong tỏa từ ngày 24/3 nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Tuy nhiên, các biện pháp phong tỏa cũng khiến hàng triệu lao động nhập cư buộc phải đi bộ về nhà, với quãng đường có thể lên tới hơn 1.000km.

Hàng vạn người lao động tự do không có việc làm tại các thành phố cũng lựa chọn trở về quê do lo ngại nguy cơ lây nhiễm cao khi sống trong các khu ổ chuột.

Chính dòng người di cư này càng khiến cho công tác kiểm soát dịch bệnh tại Ấn Độ trở nên khó khăn hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục