Để khắc phục hậu quả cơn bão số 12 và mưa lũ tại khu vực Đông Nam Bộ, miền Trung và Tây Nguyên, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố chịu thiệt hại bởi bão số 12 và mưa lũ thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến với các Bộ, ngành và địa phương về công tác khắc phục hậu quả bão số 12 chiều 6/11.
Các địa phương kiên quyết sơ tán di dân tại các vùng thấp trũng ven sông, vùng có nguy cơ ngập sâu, chia cắt, nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất đến nơi an toàn; tập trung lực lượng, phương tiện để cứu chữa người bị thương, tìm kiếm người mất tích; khẩn trương khắc phục các sự cố đối với hệ thống lưới điện, giao thông.
Các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ để chủ động triển khai các phương án ứng phó với mưa lũ lớn kéo dài trên diện rộng; tổng hợp, đánh giá thiệt hại; vệ sinh môi trường tránh phát sinh dịch bệnh; rà soát để kịp thời hỗ trợ các nhu yếu phẩm thiết yếu nhất là tại các khu vực bị thiệt hại nặng nề, các khu vực bị chia cắt, kiên quyết không để hộ dân nào bị đói, rét, thiếu nước uống.
Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai lưu ý cần vận hành các hồ chứa phù hợp quy trình đảm bảo an toàn cho công trình, hạn chế ngập lụt cho hạ du, đặc biệt, tại lưu vực sông Hương, Vu Gia-Thu Bồn nơi đang diễn ra các hoạt động của hội nghị cấp cao APEC; bố trí lực lượng trực canh tại các hồ chứa xung yếu, các hồ chứa đã đầy nước. Các địa phương triển khai phương án đảm bảo an toàn hạ du hồ chứa, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp.
Đồng thời, các địa phương tổ chức phân luồng giao thông, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn người và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, khu vực đường giao thông bị ngập, bến đò để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện ứng phó với nước lũ. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan thông tin đại chúng Trung ương và địa phương tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin về công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục và hướng dẫn các biện pháp phòng tránh. Các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục duy trì lực lượng, phương tiện chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản, đặc biệt tập trung, quyết liệt đối với công tác cứu hộ, cứu nạn.
Các địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc, kịp thời báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để xử lý hiệu quả các tình huống có thể xảy ra.
[Bộ, ngành, địa phương phải vào cuộc giúp ổn định đời sống sau bão]
Theo báo cáo của các địa phương và các Bộ, ngành, tính đến 8 giờ ngày 7/11, bão số 12 và mưa lũ đã làm 69 người chết (Quảng Nam 10 người, Khánh Hòa 27 người, có 10 người do sự cố tàu vận tải....); 30 người mất tích; 1.484 nhà sập đổ; 119.222 nhà tốc mái, hư hỏng; 7.990 ha lúa bị ngập; 14.559 ha rau, hoa màu bị ngập, thiệt hại; 24.942 lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản bị thiệt hại.
Hồ Nước Rôn, xã Trà Dương, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam dung tích 1,1 triệu m3, đập cao 21,5m dài 111m, tràn xả lũ tự do ngưỡng (+108) m, rộng 30m. Trong hai ngày 4 và 5/11, tổng lượng mưa trong khu vực hồ là 1215 mm. Lúc 1 giờ ngày 6/11, hồ Nước Rôn bị vỡ tràn xả lũ, hiện đã xói đến nền đá gốc ở cao trình (+101) m. Mực nước hiện tại hạ xuống đến cao trình vết vỡ. UBND huyện Bắc Trà My đã di dời 250 hộ dân ở hạ du, không có thiệt hại về người; đến nay, số dân di dời đã trở về nhà.
Tại tỉnh Khánh Hòa, sự cố sạt lở mái thượng lưu đập của hai hồ Đá Bàn và Tiên Du đã triển khai phương án xử lý ban đầu là hạ thấp mực nước hồ Đá Bàn xuống +58m (mực nước dâng bình thường +63m) và hồ Tiên Du đến cao trình +320m (mực nước dâng bình thường +329m) sau đó xếp rọ đá phía chân, lát lại đá lát mái để bảo đảm an toàn mái đập trong mùa mưa lũ khi hết mùa mưa lũ sẽ sửa chữa triệt để những vị trí sạt trượt.
Theo thông tin từ Văn phòng Thường trực Phòng chống thiên tai Bộ Công Thương, tính đến 6 giờ ngày 7/11, lưới điện 110kV tại tỉnh Khánh Hòa còn hai trạm biến áp 110kV Ninh Hòa và Ninh Thủy, hai trạm biến áp 110 kV của khách hàng (Huyndai Vinashin, Dệt Nha Trang Khánh Hòa) chưa khôi phục được. Dự kiến đến hết 7/11 sẽ khôi phục xong.
Lưới điện trung, hạ thế tại tỉnh Phú Yên đã khôi phục 60/87,3 MW, chiếm 69% công suất tải toàn tỉnh; dự kiến đến hết ngày 7/11 cơ bản khôi phục hoàn toàn.
Các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi đã chủ động cắt điện một số nơi bị ngập để đảm bảo an toàn.
Tại tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, Quốc lộ 1 có 3 điểm với tổng chiều dài 10,8km bị ngập sâu 0,4-1,0m, tắc đường hoàn toàn. Đường Hồ Chí Minh sạt taluy dương tại Km1497 gây tắc đường hoàn toàn. Đường Trường Sơn Đông có 2 điểm với tổng chiều dài 4 km bị sạt taluy dương gây tắc đường hoàn toàn. Hiện các cơ quan chức năng đang chốt chặn đảm bảo giao thông và hố sụt. Một số điểm thuộc Quốc lộ 14D, 14E, 24C và 40B bị ngập gây tắc đường.
Tỉnh Quảng Ngãi có hai điểm thuộc đường Trường Sơn Đông (Km160+950 và Km175A+950) bị tắc đường hoàn toàn và một số điểm thuộc Quốc lộ 24, 24B, 24C bị ngập, tắc đường. Tỉnh Bình Định trên Quốc lộ 1 (từ Km 1203+00-Km1204+00) nước ngập gây tắc đường hoàn toàn. Tại tỉnh Khánh Hòa, Quốc lộ 27C (từ Km56+00-Km61+500) vẫn tắc đường. Tỉnh Kon Tum có 3 điểm trên đường Trường Sơn Đông bị sạt taluy dương gây tắc đường.
Khu vực đường sắt Hảo Sơn-Đại Lãnh (Đèo Cả) tỉnh Phú Yên chưa thông tuyến, hiện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức chuyển tải hành khách bằng ôtô qua khu vực nay và đang khẩn trương sửa chữa, dự kiến thông đường trước ngày 9/11./.