Gần 60.000ha lúa ĐBSCL đang bị nhiễm rầy hại lúa

Hiện có gần 60.000ha lúa Đông Xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long đang bị nhiễm rầy với mật độ dày, đặc biệt là rầy nâu trưởng thành.
Hiện có gần 60.000ha lúa Đông Xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long đang bị nhiễm rầy, đặc biệt là rầy nâu trưởng thành.

Số rầy nâu trưởng thành đã di trú từ những diện tích lúa Hè Thu sớm (Xuân Hè) giai đoạn dưới 20 ngày tuổi đã xuống giống trên 10.000ha ở các tỉnh Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Long An, với mức độ rất cao (1.380.000 con/đèn/đêm tại Đồng Tháp vào ngày 23/2/2013). Riêng tại Sóc Trăng đã có trên 1.000ha bị thiệt hại nặng.

Để bảo vệ sản xuất vụ lúa Hè Thu năm nay, Cục Trồng trọt khuyến cáo các tỉnh cần quản lý chặt lịch xuống giống và lịch né rầy, bảo đảm “gieo sạ tập trung đồng loạt, né rầy,” nhằm tránh bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá tái phát ở ngay giai đoạn đầu vụ; vận động nông dân vệ sinh đồng ruộng, áp dụng kỹ thuật canh tác lúa “3 giảm, 3 tăng,” “1 phải, 5 giảm,” quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), “công nghệ sinh thái” và sử dụng thuốc theo nguyên tắc “4 đúng.”

Để hạn chế khả năng chích hút và đẻ trứng của rầy, nông dân cần đưa nước vào ruộng “ôm nước” đến chảng ba cây để che chắn cho lúa Hè Thu sớm dưới 20 ngày tuổi. Nếu rầy cám nở rộ với mật số 3-5 con/tép dùng thuốc chống lột xác, không sử dụng thuốc tác động rộng làm mất cân bằng hệ sinh thái và bộc phát rầy cuối vụ.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Tây Nam Bộ, nhiệt độ tháng Ba và Tư năm 2013 phổ biến ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm , có khả năng gây tình trạng thiếu nước vào đầu vụ lúa Hè Thu.

Lượng mưa các tháng Ba và Tư năm 2013 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, trong thời gian này có khả năng xảy ra nhiều đợt mưa trái mùa hơn bình thường, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng cây lúa và sự phát sinh, phát triển của một số đối tượng dịch hại trên lúa, đặc biệt là rầy nâu .

Do vậy, các tỉnh cần rà soát lại hệ thống thủy lợi nội đồng, nhanh chóng tu sửa những nơi xuống cấp, đảm bảo chủ động nước tưới, tiêu phục vụ sản xuất. Mỗi vùng nên bố trí 4-5 giống chủ lực, nhưng một giống chủ lực không chiếm quá lớn (trên 20% diện tích ); ngoài ra, cần chọn thêm 3-4 giống bổ sung và một số giống triển vọng. Diện tích gieo trồng giống lúa nhiễm rầy nâu nặng không quá 10%, gieo trồng giống IR 50404 và không vượt quá 20% trong cơ cấu giống lúa.

Đối với vùng sản xuất lúa đặc sản, chất lượng cao, cần xây dựng kế hoạch sản xuất và chăm sóc riêng để quản lý dịch hại, bảo vệ năng suất, sản lượng và an toàn cho sản xuất các vụ sau.

Các tỉnh cần khuyến cáo nông dân tăng sử dụng giống xác nhận, áp dụng biện pháp sạ hàng, sạ thưa, không sử dụng lãng phí lượng lúa giống gieo sạ, lượng giống sử dụng không quá 100 kg/ha; áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật để giảm giá thành, thu hoạch bằng cơ giới, sấy sau thu hoạch nhằm giảm thất thoát và đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Các tỉnh cần c ủng cố hoạt động của b an chỉ đạo phòng chống rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá các cấp, cần tăng cường công tác kiểm tra, bám sát đồng ruộng, tích cực thăm đồng, phát hiện rầy nâu và hướng dẫn nông dân phòng trị kịp thời, không để lây lan trên diện rộng nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra./.

Thế Đạt (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục