Gần 5 tỷ đồng ứng phó biến đổi khí hậu tại ĐBSCL

Đại sứ quán Phần Lan sẽ hỗ trợ gần 5 tỷ đồng để khởi động dự án về biến đổi khí hậu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam, ông Pekka Hyvönen, vừa công bố hỗ trợ 160.625 euro, tương đương gần 5 tỷ đồng để khởi động dự án hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Bản thỏa thuận về dự án nói trên đã được Đại sứ quán Phần Lan và Trung tâm Hợp tác Phát triển nguồn nhân lực (C&D) ký kết ngày 4/8 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo dự tính, dự án sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho 130 nhân viên các tổ chức phi chính phủ và 3.000 người dân.

Dự án sẽ được kéo dài trong hai năm, nhằm đẩy mạnh mạng lưới các tổ chức phi chính phủ ở miền Nam để họ tham gia tích cực vào việc hỗ trợ cộng đồng dân cư tại hai tỉnh Bến Tre,Trà Vinh thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hiện các sáng kiến phát triển bền vững.

Theo đó, các hoạt động chính của dự án bao gồm nâng cao năng lực cho các tổ chức phi chính phủ, cải thiện năng lực cho cộng đồng. Hai ki-ốt thông tin và một trung tâm truyền thông cứu hộ cấp cơ sở sẽ được thành lập để đẩy mạnh mạng lưới các tổ chức phi chính phủ và đối thoại vận động chính sách về biến đổi khí hậu có lợi cho người nghèo cũng như tạo chỗ đứng để các tổ chức phi chính phủ có vai trò trong quá trình phát triển ở cấp huyện, tỉnh và quốc gia.

Nằm ở tận cùng của lưu vực sông Mêkông, theo quy luật, Đồng bằng sông Cửu Long là một trong ba đồng bằng dễ tổn thương nhất trên trái đất do biến đổi khí hậu. Nhiều dự báo khoa học cho thấy các hiểm họa thiên tai, dịch bệnh sẽ xảy ra ở mức độ nặng nề hơn cho Đồng bằng sông Cửu Long nếu không có giải pháp can thiệp, giảm nhẹ ngay từ bây giờ.

Theo nghiên cứu do Viện Khí tượng, Thủy văn và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, số đo từ các trạm quan trắc đặt suốt từ Bắc vào Nam và số liệu vệ tinh trong 50 năm qua cho thấy, trung bình mỗi năm nước biển dâng 3mm.

Theo đó, giữa thế kỷ 21, mực nước biển có thể dâng thêm khoảng 30cm và đến cuối thế kỷ 21, có thể dâng thêm 75cm. Riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có thể bị ngập 7.580 km2.

Đến nay, chưa có thống kê, nghiên cứu đầy đủ, toàn diện về tình hình biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đều khẳng định biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra với những biểu hiện bất thường của thời tiết, sự gia tăng mức độ, tần suất của thiên tai./.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nếu nước biển dâng cao thêm 1m thì khoảng 70% diện tích đất ở Đồng bằng sông Cửu Long bị xâm nhập mặn, mất khoảng hai triệu ha đất trồng lúa. Nhiều địa phương sẽ bị chìm trong nước.

Dòng chảy mùa lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu vào tháng 6, 7 và kết thúc vào tháng 11, 12.  Tình trạng lũ lụt ngày càng nghiêm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long trong khi nơi đây được xem là “điểm đỏ” chịu tác động của biến đổi khí hậu.

Cẩm Thơ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục