Gần 5 triệu người ở Đông Nam Á rơi vào nghèo đói cùng cực vì COVID-19

Theo ADB, đại dịch COVID-19 đã gây ra tình trạng thất nghiệp trên diện rộng, làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng và tăng mức độ nghèo đói ở khu vực Đông Nam Á.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Blang Bintang, Aceh (Indonesia). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 16/3, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố báo cáo cho rằng đại dịch COVID-19 đã đẩy 4,7 triệu người ở khu vực Đông Nam Á vào cảnh nghèo đói cùng cực trong năm 2021 khi mà 9,3 triệu người bị mất việc làm.

Theo ADB có trụ sở tại Manila (Philippines), khu vực Đông Nam Á đang bắt đầu phục hồi sau hai năm trải qua đại dịch COVID-19 và dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 5,1% trong năm nay khi gần 60% dân số khu vực đã tiêm chủng đủ liều cơ bản, cho phép nhiều nền kinh tế mở cửa trở lại.

Tuy nhiên, dù có những dự báo tích cực hơn cho năm 2022, nhưng ADB vẫn cho rằng tình hình kinh tế của khu vực Đông Nam Á vẫn mong manh và thu nhập nhiều hộ gia đình tiếp tục giảm.

Chủ tịch ADB Masatsugu Asakawa nhận định đại dịch COVID-19 đã gây ra tình trạng thất nghiệp trên diện rộng, làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng và tăng mức độ nghèo đói, đặc biệt ở nhóm đối tượng là phụ nữ, lao động trẻ và người cao tuổi ở khu vực Đông Nam Á.

Những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là lao động phổ thông, những người làm việc trong lĩnh vực bán lẻ và nền kinh tế phi chính thức, cũng như những doanh nghiệp nhỏ không áp dụng công nghệ số.

[Những manh mối về cách thức đại dịch COVID-19 có thể kết thúc]

Ông Asakawa khuyến khích các chính phủ trong khu vực đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh và sáng tạo, đồng thời áp dụng những công nghệ mới để giúp phục hồi tăng trưởng kinh tế.

ADB cũng kêu gọi các chính phủ đầu tư nhiều hơn để tăng cường hệ thống y tế, cải thiện hệ thống giám sát dịch bệnh và ứng phó với các đại dịch tiềm tàng trong tương lai.

Theo báo cáo của ADB, tăng trưởng kinh tế của khu vực Đông Nam Á có thể tăng thêm 1,5% nếu đầu tư cho hệ thống y tế đạt khoảng 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực.

ADB khuyến nghị các quốc gia trong khu vực theo đuổi cải cách cơ cấu để nâng cao khả năng cạnh tranh như đơn giản hóa các thủ tục kinh doanh, giảm bớt rào cản thương mại và khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ áp dụng những công nghệ mới.

Theo ADB, các chính phủ cũng nên duy trì sự thận trọng trong việc giảm thâm hụt và nợ công, đồng thời hiện đại hóa để nâng cao hiệu quả ngành thuế.

Tuy nhiên, báo cáo của ADB cũng chỉ ra rằng khu vực vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như sự xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, lãi suất toàn cầu được thắt chặt, gián đoạn chuỗi cung ứng, giá hàng hóa cao hơn và lạm phát./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục