Sáng nay,6/5, kỳ thi Đánh giá năng lực năm 2023 của Đại học Sư phạm Hà Nội đã bắt đầu. Kỳ thi sẽ diễn ra trong cả ngày hôm nay với 5 ca thi, tại hai điểm thi là Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Quy Nhơn (Bình Định). Trong đó, điểm thi Đại học sư phạm Hà Nội có 166 phòng thi, điểm thi Đại học Quy Nhơn có hai phòng thi.
Kỳ thi gồm 8 bài thi độc lập: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Đề thi bao gồm các câu hỏi trắc nghiệm và tự luận, nhằm đánh giá năng lực học sinh ở mức độ thông hiểu, vận dụng và vận dụng sáng tạo để xét tuyển đại học. Các câu hỏi có nội dung thuộc chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Thí sinh lựa chọn đăng ký một số bài thi và sử dụng kết quả thi để đăng ký dự tuyển vào các ngành đào tạo theo yêu cầu của mỗi trường đại học.
Thí sinh làm bài thi trực tiếp trên giấy. Nội dung các bài thi tương ứng và phù hợp với nội dung các môn học, môn thi cấp trung học phổ thông mà học sinh đã quen thuộc. Đề thi có kết hợp trắc nghiệm và tự luận với tỷ lệ điểm phù hợp tùy theo bài thi, bao gồm các câu hỏi đánh giá mức độ thông hiểu kiến thức cốt lõi và năng lực lập luận, phân tích, đánh giá, giải quyết vấn đề và sáng tạo.
[Hiệu trưởng Đại học Sư phạm HN: “Thí sinh không cần đi học thêm”]
Theo thông tin từ Đại học Sư phạm Hà Nội, kỳ thi có sự đăng ký tham gia của 4.667 thí sinh, tăng gấp đôi so với năm 2022. Trong đó, Toán và Ngữ văn là môn có nhiều thí sinh đăng ký nhất với gần 3.000 em, tiếp đến là môn Tiếng Anh với gần 2.250 em đăng ký, môn Lịch sử với trên 1.000 thí sinh, môn Vật lý có hơn 900 em, môn hóa học 832 thí sinh, môn Địa lý có gần 300 thí sinh và ít nhất là môn Sinh học với 88 thí sinh.
Đại học Sư phạm Hà Nội cho hay với lợi thế là trường sư phạm, có nguồn nhân lực phong phú, chất lượng để bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ trong từng khâu của quy trình tổ chức thi.
Cụ thể, trường có đội ngũ cán bộ, giảng viên đông đảo, có phẩm chất tốt và trình độ chuyên môn cao thuộc các khoa đào tạo giáo viên tương ứng với các môn học ở trường phổ thông. Nhiều cán bộ, giảng viên tham gia biên soạn câu hỏi nguồn, đề thi là thành viên chính xây dựng chương trình, sách giáo khoa phổ thông cũng như tham gia biên soạn câu hỏi nguồn, đề thi học sinh giỏi, đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông hàng năm cho Cục Quản lý chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường đã cử nhiều lượt cán bộ, giảng viên đi tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn về xây dựng đề thi đánh giá năng lực theo hướng chuẩn hóa.
Đánh giá tầm quan trọng của việc phân tích đề thi đối với công tác đảm bảo chất lượng của đề thi, trường đã xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách phân tích đề thi theo các lý thuyết khảo thí hiện đại. Hiện nay, trường có 4 cán bộ phân tích đề thi gồm một tiến sỹ, một nghiên cứu sinh và hai thạc sỹ chuyên ngành đo lường, đánh giá trong giáo dục.
Trường cũng có đội ngũ chấm thi đông đảo là giảng viên của 23 khoa đào tạo và giáo viên của ba trường trung học phổ thông trực thuộc. Đội ngũ cán bộ chấm thi có kinh nghiệm nhiều năm chấm thi học sinh giỏi các cấp, chấm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, chấm thi tuyển sinh đại học và đánh giá năng lực tiếng Anh, tiếng Việt. Nhiều cán bộ, giảng viên đã tham gia chấm thi học sinh giỏi quốc tế.
Bên cạnh đó, khâu tổ chức thi được đảm bảo khi trường có các đơn vị chuyên trách tổ chức thi và tô chức hàng chục đợt thi mỗi năm với quy mô vài nghìn thí sinh/đợt như thi tuyển sinh đại học, thi tuyển sinh vào lớp 6, lớp 10 các trường trung học phổ thông trực thuộc, thi kết thúc học phần và đánh giá năng lực tiếng Anh, tiếng Việt. Trường cũng có ký túc xá đáp ứng nhu cầu lưu trú trong thời gian dự thi đối với thí sinh ở xa.
Kết quả thi Đánh giá năng lực của Đại học Sư phạm Hà Nội không chỉ được sử dụng xét tuyển vào trường này mà còn được các trường trong khối sư phạm dùng để tuyển sinh đầu vào, gồm:
Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 và Trường Đại học Quy Nhơn./.