Gần 40 người chết vì tai nạn giao thông trong ngày mùng 4 Tết

Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong ngày 11/02 (ngày mùng 4 Tết Nguyên đán Bính Thân 2016), cả nước xảy ra 52 vụ tai nạn giao thông, làm chết 39 người, bị thương 48 người.
Gần 40 người chết vì tai nạn giao thông trong ngày mùng 4 Tết ảnh 1Hiện trường một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. (Ảnh: TTXVN)

Ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn Quốc gia cho biết, theo báo cáo của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) trong ngày 11/2 (ngày mùng 4 Tết Nguyên đán Bính Thân 2016), cả nước xảy ra 52 vụ tai nạn giao thông, làm chết 39 người, bị thương 48 người.

Trong đó, đường bộ xảy ra 51 vụ, làm chết 38 người, bị thương 48 người. Đường sắt xảy ra 1 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1 người. Đường thủy nội địa không xảy ra tai nạn giao thông.

Theo ông Thái, tính từ ngày 7-11/2/2016 (tức ngày 29 đến ngày mùng 4 Tết Nguyên đán Bính Thân), cả nước xảy ra 213 vụ tai nạn giao thông, làm 140 người chết và 211 người bị thương.

“Chỉ tính riêng ngày hôm nay (mùng 4 Tết), đây là ngày có số người tử vong vì tai nạn giao thông cao nhất với 39 người chết,” ông Thái nói.

Về công tác xử phạt vi phạm Luật giao thông đường bộ, báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho thấy, lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 1.949 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, thu nộp kho bạc Nhà nước 762,5 triệu đồng; tạm giữ 57 xe ôtô, 250 xe môtô, tước 274 giấy phép lái xe.

Cũng theo ông Thái, ngày 11/2/2016 (mùng 4 Tết) số cuộc gọi và tin nhắn được tiếp nhận qua đường dây nóng đã tăng lên so với 4 ngày trước.

Cụ thể, đã có 30 cuộc gọi và 4 tin nhắn của người dân phản ánh đến đường dây nóng của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia. Nội dung các cuộc gọi hầu hết phản ánh về tình trạng tự ý tăng giá vé, nhồi nhét khách và tình hình trật tự an toàn giao thông tại một số khu vực như tuyến xe khách Bến xe Nước Ngầm-Con Cuông (Nghệ An) của nhà xe Hải Bình thường xuyên nhồi nhét khách; giá vé bến đò tại tỉnh Nam Định tăng giá; hành khách đi 20km thu tiền vé 100km tại Hà Nội; xe tuyến Gia Lai-Nha Trang nhồi nhét khách.

Bên cạnh đó, người dân còn phản ánh tại thành phố Ninh Bình, có tình trạng một số khách sạn mini cho khách du lịch và Tây balô thuê xe máy tự lái. Điều này gây mất trật tự an toàn giao thông và tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn do một số khách du lịch không có bằng lái xe nhưng vẫn có thể thuê xe.

Ngoài ra, người dân phản ánh về việc hoãn chuyến không báo trước của hãng máy bay Vietjet Air bay chuyến Đà Nẵng-Hà Nội.

“Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã yêu cầu các đơn vị có liên quan thực hiện kiểm tra, xử lý triệt để nội dung các thông tin được phản ánh,” ông Thái khẳng định.

Về tình hình trật tự an toàn giao thông, theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, tại Hà Nội, trên một số tuyến phố một bộ phận người tham gia giao thông bằng xe gắn máy vi phạm quy định trật tự an toàn giao thông như không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, dàn hàng ngang, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, vừa điều khiển phương tiện vừa sử dụng điện thoại di động. Lực lượng Cảnh sát giao thông thành phố Hà Nội đã tổ chức lễ ra quân bảo đảm trật tự an toàn giao thông đầu xuân Bính Thân.

Trong những ngày cuối của dịp nghỉ tết Nguyên đán Bính Thân, mật độ người tham gia giao thông tiếp tục đổ về các đền chùa để du xuân, cầu may tăng cao, đồng thời bắt đầu trở về các thành phố lớn để làm việc, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia yêu cầu lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông, có phương án tổ chức giao thông hợp lý tại các cửa ngõ ra vào thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh để hạn chế triệt để tình trạng lộn xộn, ùn tắc giao thông.

Đồng thời, các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc Công điện số 04/CĐ-UBATGTQG ngày 10/2/2016 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục