Gần 3.600 tòa nhà được theo dõi khi xây ga ngầm đường sắt đô thị

Gần 3.600 ngôi nhà, công trình gần ga được theo dõi, giám sát tác động trong và sau quá trình thi công các ga ngầm của dự án đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội.
Dự án đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội đã hoàn thành phần đi trên cao. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Dự án đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội đã hoàn thành phần đi trên cao. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Lãnh đạo Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, đến đầu tháng Năm vừa qua, dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội dài 12,5km đạt 48,6% khối lượng. Trong số 9 gói thầu của toàn dự án, 8 gói đang được triển khai thi công, chỉ còn gói thầu hệ thống thẻ vé tự động (AFC) vẫn trong giai đoạn xét thầu.

Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng 8,5km trên cao Nhổn-Cầu Giấy vào cuối năm 2020, đoạn đi ngầm còn lại vào cuối năm 2022. Hiện, các hạng mục công việc của đoạn trên cao đang có tiến triển tích cực so với cuối năm trước.

“Đến nay, khối lượng xây lắp đoạn trên cao đạt hơn 98%, các ga trên cao đạt 60%, hạ tầng khu Depot đạt 98%. Dự kiến, đến cuối tháng Sáu tới sẽ hoàn thành hàn đường ray toàn tuyến và đến hết 30/7 hoàn thành việc cẩu lên tuyến; sản xuất đầu máy toa tàu đạt hơn 1/4 khối lượng...,” lãnh đạo Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội cho hay.

Về đoạn 4km và 4 nhà ga ngầm trên đoạn Kim Mã-ga Hà Nội, hiện đang trong giai đoạn cuối giải phóng mặt bằng, chuẩn bị mặt bằng để thi công các ga (ga Kim Mã, Cát Linh, khu vực Văn Miếu, đường Trần Hưng Đạo).

[FECON trúng thầu thi công ga ngầm tuyến đường sắt Nhổn-ga Hà Nội]

Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội, khi chuẩn bị mặt bằng thi công cho các ga ngầm, dự án đã nghiên cứu, đánh giá hiện trạng kỹ lưỡng đối với 3.594 tòa nhà và công trình xây dựng xung quanh 4 nhà ga theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và các quy chuẩn đánh giá hiện trạng tòa nhà trên thế giới.

“Về phương pháp đánh giá, trên cơ sở thông tin của các gia đình, chủ sở hữu về công trình, tòa nhà (mặt bằng, tuổi thọ, kết cấu điện nước...), bộ phận đánh giá thực hiện khảo sát, ghi nhận hiện trạng và chụp ảnh để lưu trữ. Sau đó, kết quả đánh giá, hình ảnh được gửi lại các hộ dân, chủ sở hữu công trình để theo dõi, giám sát trong và sau quá trình thi công ga ngầm,” lãnh đạo Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội nhấn mạnh.

Được biết, công tác đánh giá hiện trạng được triển khai từ năm 2018, đến nay kết quả đánh giá đã được thông báo cho các hộ dân, chủ sở hữu, quản lý công trình thuộc phạm vi đánh giá./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục