Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, đến ngày 31/5, tỉnh thu hoạch và tiêu thụ 28.000-29.000 tấn vải, bằng 85% sản lượng vải sớm và 55% sản lượng vải toàn tỉnh.
Trong số lượng vải tiêu thụ, xuất khẩu đi Trung Quốc, Lào, Campuchia khoảng 15.000 tấn.
Vải xuất đi các thị trường có giá trị cao khoảng 1.500 tấn gồm Nhật Bản, Mỹ, Australia, EU khoảng 300 tấn; Singapore, Trung Đông, Malaysia khoảng 500 tấn; cấp đông xuất khẩu đi Hàn Quốc, Nhật Bản và EU khoảng 700 tấn.
Đặc biệt, vải xuất riêng vào thị trường Nhật Bản là 100 tấn, cao gấp 3 lần tổng sản lượng vải cả nước xuất khẩu Nhật Bản năm 2020.
Dự kiến, từ nay đến cuối vụ, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục thu mua và xuất khẩu 1.000 tấn vải thiều tươi và cấp đông đi Nhật Bản cùng 4.000 tấn vải đi Mỹ, Australia, EU, Singapore.
Lượng vải bán tại các chợ đầu mối lớn trên toàn quốc cũng từ 6.000-7.000 tấn; bán vào các hệ thống siêu thị như BigC, Vinmart, Metro, Lanchi Mart, CoopMart và các cửa hàng nông sản sạch khoảng 2.000 tấn và bán qua sàn giao dịch thương mại điện tử khoảng 100 tấn.
[Vải thiều Việt Nam chinh phục Nhật Bản: Vui nhưng không chủ quan]
Bà Lương Thị Kiểm - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, chia sẻ vụ vải năm nay, sản lượng vải Hải Dương xuất khẩu sang Nhật Bản và châu Âu tăng đột biến do vùng nguyên liệu tốt.
Kết quả kiểm tra cho thấy vải khi thu hoạch đều không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Tất cả các lô hàng xuất khẩu đi Nhật Bản và các nước đều đáp ứng yêu cầu khắt khe nhất của thị trường nhập khẩu, chinh phục những khách hàng khó tính nhất.
Hiện vải thiều chính vụ đã bắt đầu cho thu hoạch, các doanh nghiệp đang tăng tốc sơ chế, bảo quản phục vụ cho xuất khẩu.
Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Sản xuất và Dịch vụ Rồng Đỏ có nhà máy đặt tại xã Việt Hồng, huyện Thanh Hà, cho biết đã điều động thêm chuyên gia, tăng công suất và thuê thêm xưởng để làm hàng cấp đông.
Từ đầu mùa đến nay, vải thiều Hải Dương có giá cao ổn định. Vải thiều đủ tiêu chuẩn xuất khẩu được doanh nghiệp tiêu thụ mua trung bình từ 22.000-28.000 đồng/kg.
Riêng đầu mùa, có nơi doanh nghiệp thu mua từ 60.000-100.000 đồng/kg đối với vải cực sớm. Cá biệt, có vườn sản xuất theo hướng hữu cơ bán với giá 50.000 đồng/kg. Giá vải Thanh Hà của Hải Dương luôn cao hơn từ 10.000-15.000 đồng/kg so với vải các nơi khác ở cùng thời điểm thu mua.
Tại thị trường Singapore, vải thiều Hải Dương đã có mặt trên kệ hàng của chuỗi siêu thị FairPrice là chuỗi siêu thị lớn của Singapore. Còn tại Nhật Bản, vải thiều Hải Dương đang được bán với giá từ 350.000-500.000 đồng/kg.
Kết quả này đến từ những nỗ lực kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều của Hải Dương trong vụ vải năm 2021. Cùng đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các cơ quan chuyên môn đã chỉ đạo, hỗ trợ tỉnh trong quá trình quảng bá, xúc tiến và kết nối tiêu thụ vải.
Năm 2021, lần đầu tiên tỉnh Hải Dương đã thực hiện hội nghị trực tuyến kết nối xúc tiến tiêu thụ vải thiều với hàng chục điểm cầu trong và ngoài nước, đặc biệt là sự tham gia của khoảng 300 đầu mối tiêu thụ ở nước ngoài.
Hải Dương đã làm chủ được quy trình sản xuất vải đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu nên được các thương lái, doanh nghiệp tập trung thu mua khiến việc tiêu thụ thuận lợi hơn các địa phương khác trong cả nước.
Hiện tại, có 2 doanh nghiệp lớn và uy tín về xuất khẩu vải đã lắp đặt 3 buồng xông Methy bromide ngay tại vùng vải thiều Thanh Hà. Các buồng này đã chính thức vận hành dưới sự giám sát của chuyên gia Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Mặt khác, tỉnh đã tích cực quảng bá, truyền thông là làm tốt khâu kiểm soát dịch COVID-19 nên các thương lái, doanh nghiệp yên tâm về thu mua; người dân cả nước và khách hàng nước ngoài yên tâm sử dụng.
Tỉnh Hải Dương có trên 9.100ha vải thiều, sản lượng ước tính năm 2021 khoảng 55.000 tấn; trong đó, trà vải sớm 30.000 tấn. Hiện trà vải thiều chính vụ bắt đầu cho thu hoạch và sẽ thu hoạch rộ từ ngày 5/6 với sản lượng vải chính vụ dự kiến khoảng 25.000 tấn./.