Gần 2.400 vụ việc phản ánh, kiến nghị giải quyết về ô nhiễm môi trường

Theo Tổng cục Môi trường, hệ thống đường dây nóng về ô nhiễm môi trường là kênh thông tin mở, giúp các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin phản ánh kịp thời về các hành vi gây ô nhiễm trên cả nước.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Đại diện Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết từ năm 2018 đến nay đường dây nóng về ô nhiễm môi trường do đơn vị này thiết lập đã tiếp nhận gần 2.400 thông tin, vụ việc phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường.

Riêng trong 10 tháng năm 2022, đường dây nóng trên đã tiếp nhận gần 500 vụ việc phản ánh. Trong đó, có 296 vụ việc đã được hướng dẫn người dân thực hiện theo quy định của pháp luật; 150 vụ việc chuyển về các địa phương để xác minh, xử lý.

Trên cơ sở đó, có tới 394 vụ việc đã được xác minh, xử lý (chiếm 88%); 58 vụ việc (chiếm 12%) đang được các địa phương xử lý theo thẩm quyền.

Theo Tổng cục Môi trường, đường dây nóng về ô nhiễm môi trường được đơn vị này thành lập nhằm tiếp tục phát huy vai trò của người dân và cộng đồng về bảo vệ môi trường; nâng cao hiệu quả tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị.

[Dự án chưa được chấp thuận đầu tư đã hoạt động, gây ô nhiễm môi trường]

Đến nay, hệ thống đường dây nóng đã và đang trở thành kênh thông tin hữu ích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin phản ánh kịp thời về các hành vi gây ô nhiễm môi trường, các điểm nóng môi trường trên địa bàn đến các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

“Hệ thống này cũng đã giúp cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường nắm bắt, phát hiện kịp thời các vấn đề, điểm nóng về môi trường để có giải pháp xử lý các hành vi, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các điểm nóng về môi trường phát sinh trên từng địa bàn,” đại diện Tổng cục Môi trường nói.

Dẫn ví dụ cụ thể, đại diện Tổng cục Môi trường cho biết mới đây, đơn vị này đã chuyển phản ánh của người dân xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc, với nội dung: Nhà máy gạch Hera gây ô nhiễm môi trường, khí thải, ồn ào; gây ô nhiễm môi trường khu dân cư tại thôn Xuân Me.

Theo người dân, lý do họ phản ánh vụ việc trên tới Tổng cục Môi trường, là bởi vụ việc đã được họ phản ánh lên xã, huyện nhưng không được xử lý.

Trên cơ sở thông tin phản ánh, ông Nguyễn Kim Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc cho biết đơn vị này đã chủ trì, phối hợp với Uỷ ban Nhân dân huyện Lập Thạch tổ chức kiểm tra thực tế tại Công ty Cổ phần Công nghiệp Hera về một số vấn đề như: Nước thải sản xuất, khí thải phát sinh từ hoạt động sản xuất, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn thông thường, khí thải tại nguồn, tiếng ồn.

Qua kết quả kiểm tra và kết quả quan trắc, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc đã đề nghị, yêu cầu Công ty Cổ phần Công nghiệp Hera tuân thủ đúng, đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường, vận hành các công trình xử lý chất thải trong quá trình hoạt động sản xuất theo đúng Giấy phép môi trường đã được cấp.

Cùng với đó, doanh nghiệp có trách nhiệm tiến hành thi công quây bao bao khu vực bãi nguyên liệu, trồng cây xanh để giảm thiểu bụi, tiếng ồn; đảm bảo xe nhập liệu hoạt động tối đa trước 22 giờ hàng ngày; đảm bảo không gây ảnh hưởng và sụt lún đường dân sinh để không làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân cạnh công ty.

“Nội dung này đề nghị công ty hoàn thiện trước ngày 15/12/2022 và gửi báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường,” ông Tuấn nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục