Các nhà phân tích thuộc BofA Global Research ước tính, khoảng 7% số lao động (khoảng 20,7 triệu người) tại các nước ASEAN-6 (gồm Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Philippines và Việt Nam) có thể mất việc làm do tác động của đại dịch COVID-19.
Viễn cảnh này cũng sẽ là mối đe dọa đối với sự phục hồi kinh tế khi đại dịch COVID-19 qua đi.
Dựa trên tỷ trọng số lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và các ngành nghề không chính thức tại các nước nói trên, BofA Global Research cho rằng Indonesia sẽ là nước buộc phải cắt giảm việc làm nhiều nhất với 9,4 triệu việc làm.
Số lao động mất việc làm tại các nước khác như Philippines, Thái Lan và Việt Nam cũng có thể lên tới hàng triệu người. Những lao động trong một số lĩnh vực cụ thể như dịch vụ lưu trú và thực phẩm, bán buôn bán lẻ, bất động sản và dịch vụ kinh doanh… sẽ có nguy cơ mất việc cao hơn những người khác.
[Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng: Phao cứu sinh giúp người nghèo vượt khó]
Thông qua phân tích, đánh giá một số yếu tố như quy mô suy thoái dự kiến, cơ cấu việc làm và chính sách tài khóa đối phó với dịch COVID-19 của từng quốc gia, BofA Global Research cho rằng Indonesia và Thái Lan là hai nước có nguy cơ đối mặt với sự suy giảm lớn có tính lịch sử.
Trong khi đó, thị trường lao động tại những nước còn lại trong ASEAN-6 cũng sẽ đối mặt với những tác động tiêu cực đáng kể.
Hiện tại, theo đánh giá của BofA Global Research, chỉ Singapore và Malaysia cung cấp hỗ trợ trực tiếp về chi phí lao động thông qua hoạt động trợ cấp chi trả tiền lương, trong khi các quốc gia khác hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thông qua việc chuyển tiền mặt và áp dụng chính sách ưu đãi thuế.
BofA Global Research nhấn mạnh các nước này cần có thêm các biện pháp hỗ trợ, giữa bối cảnh xu hướng suy thoái có nguy trầm trọng thêm./.