Gần 2.000 cơ sở dạy nghề nhưng vẫn "thừa thầy thiếu thợ"

Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã nêu vấn đề hiện Việt Nam có khoảng 54 triệu lao động, gần 2.000 cơ sở dạy nghề nhưng nhiều cơ sở không thu hút được người học.
Gần 2.000 cơ sở dạy nghề nhưng vẫn "thừa thầy thiếu thợ" ảnh 1Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Hiện Việt Nam có khoảng 54 triệu lao động, gần 2.000 cơ sở dạy nghề nhưng nhiều cơ sở không thu hút được người học, tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” vẫn diễn ra nhiều năm chưa giải quyết được. Học nghề ra trường không tìm được việc làm, tỷ lệ thất nghiệp hàng năm vẫn cao.

Đây là nhưng vấn đề được Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu ra tại buổi làm việc với Viện Khoa học Lao động và Xã hội vào chiều 10/4, tại Hà Nội.

Bộ trưởng cho rằng nhiều đề tài nghiên cứu về các vấn đề lao động, việc làm, xã hội hiện chưa sát với thực tế, nhất là nghiên cứu và ứng dụng cung cầu thị trường lao động chưa ăn khớp với nhau. Viện Khoa học Lao động và Xã hội cần tiếp tục tạo nhiều đột phá trong thời gian tới.

Phải chăng ngay trong nội tại, giữa nghiên cứu và ứng dụng chưa ăn khớp. Dạy nghề cứ dạy, thất nghiệp vẫn nhiều. Cần định hướng lại, phải hỗ trợ học lại nghề, hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lại. Bên cạnh đó phải đổi mới nghiên cứu như thế nào... Đây là vấn đề đặt ra cho lãnh đạo Bộ thời gian tới - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Gần 2.000 cơ sở dạy nghề nhưng vẫn "thừa thầy thiếu thợ" ảnh 2Lớp học điện tử công nghiệp tại Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận. Ảnh minh họa. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Đại diện Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, 40 năm qua, Viện đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu liên quan đến các lĩnh vực của ngành, tổ chức nghiên cứu đón đầu những vấn đề mới phát sinh liên quan đến các lĩnh vực, như dự báo thị trường lao động Việt Nam trong giai đoạn 2017-2022; các nghiên cứu về việc làm, an sinh xã hội, bảo hiểm, hưu trí, giảm nghèo, vấn đề kỹ năng trong kỷ nguyên số…

Năm 2017, Viện đã đề xuất xây dựng và triển khai nghiên cứu: Đổi mới giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu thị trường lao động và hội nhập quốc tế; vấn đề lao động, việc làm trong bối cảnh gia nhập AEC và các hiệp định thương mại thế hệ mới. Tuy nhiên, do lĩnh vực rộng, nhiều vấn đề mới xuất hiện, các nghiên cứu chưa bao phủ hết, chưa cung cấp kịp thời các căn cứ lý luận, bằng chứng thực tiễn cho xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, thiếu nghiên cứu quy mô, tiến độ chậm, ít nghiên cứu công bố có giá trị…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục