Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách du lịch đến tỉnh Ninh Thuận ước đạt 1,97 triệu lượt khách, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu du lịch trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng năm 2024 ước đạt 2.242 tỷ đồng, tăng 64,9% so cùng kỳ năm 2023.
Từ đầu năm đến nay, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh luôn diễn ra sôi động, nhất là vào các dịp lễ, tết hay cuối tuần với lượng khách đến thường tăng đột biến, tăng cao so với cùng kỳ năm trước.
Việc đưa vào khai thác đoạn cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo và nhiều gói tour khuyến mãi, hấp dẫn đã góp phần thu hút khách đến tham quan, du lịch Ninh Thuận.
Ngành du lịch Ninh Thuận cũng phát triển đa dạng các sản phẩm du như du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, dã ngoại, kết hợp sự đa dạng giữa du lịch cộng đồng, du lịch gắn với nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là khai thác phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, tạo sản phẩm mang tính đặc thù riêng.
Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin quảng bá du lịch được đẩy mạnh và triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần lan tỏa hình ảnh du lịch Ninh Thuận đến với du khách.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, du lịch như Lễ hội Ẩm thực Ninh Thuận - Chào đón năm mới 2024; Khai trương tuyến phố đi bộ trên địa bàn thành phố Phan Rang-Tháp Chàm; Lễ hội Ẩm thực Ninh Thuận... thu hút du khách trong và ngoài nước, đồng thời kích cầu du lịch nội địa, góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển; tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tỉnh giới thiệu các sản phẩm du lịch và hoạt động khuyến mãi đến với người dân và du khách.
Việc hợp tác, liên kết phát triển du lịch như tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các hãng hàng không; các tỉnh, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên được vận dụng sáng tạo theo hướng hợp tác đa phương, khai thác lợi thế cạnh tranh của mỗi địa phương để tạo những sản phẩm du lịch liên kết, có sức hấp dẫn, góp phần kéo dài thời gian lưu trú, nâng cao mức chi tiêu của khách du lịch.
Năm 2024, tỉnh Ninh Thuận đặt mục tiêu đón 3,2 triệu lượt khách, trong đó khách nội địa đạt 3,1 triệu lượt khách, khách quốc tế đạt 100.000 lượt khách, doanh thu ước đạt khoảng 2.500 tỷ đồng; phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng phát triển theo chiều sâu, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, khẳng định thương hiệu và có sức cạnh tranh cao trong khu vực.
Để đạt mục tiêu năm 2024, trong 6 tháng cuối năm, ngành du lịch Ninh Thuận tiếp tục tham mưu cho tỉnh tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về công tác phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện hiệu quả nghị quyết, chương trình về lĩnh vực du lịch.
Phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị liên quan tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc thu hút đầu tư; phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch; đẩy nhanh tiến độ; tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp du lịch đảm bảo kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả và đúng quy định.
Tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác chuyển đổi số ngành du lịch; khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số trong quản lý hoạt động kinh doanh, phát triển dịch vụ du lịch thông minh.
Tăng cường liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố để tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch đồng thời tiếp tục hỗ trợ xây dựng và quảng bá các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc thù của tỉnh; đẩy mạnh các giải pháp kích cầu thu hút khách du lịch, phấn đấu vượt mục tiêu kế hoạch tỉnh đề ra năm 2024./.
Kết nối doanh nghiệp du lịch Ninh Thuận và bang Kerala của Ấn Độ
Cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp, thị trường du lịch giữa Ninh Thuận và bang Kerala ngày càng phát triển khi hiện nay đã có những đường bay thẳng từ Ấn Độ đến các địa phương của Việt Nam.