Gần 16.500ha thanh long ở phía Nam nhiễm bệnh đốm nâu

Trong 9 tháng qua, gần 16.500ha thanh long ở các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang bị nhiễm bệnh đốm nâu, tăng 7.000ha so với năm trước.
Gần 16.500ha thanh long ở phía Nam nhiễm bệnh đốm nâu ảnh 1Chăm sóc vườn thanh long. Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, hiện nay, bệnh đốm nâu (nông dân gọi là bệnh đốm trắng) trên cây thanh long đang có chiều hướng gia tăng cả về diện phân bố và mức độ gây hại, gây lo lắng cho nông dân ở các vùng sản xuất thanh long.

Đến đầu tháng 9/2014, có gần 16.500ha thanh long ở các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang bị nhiễm bệnh đốm nâu, tăng khoảng 7.000ha so với năm trước, trong đó diện tích bị nhiễm nhẹ với tỷ lệ bệnh phổ biến từ một vài đốm đến dưới 5%, là hơn 8.000ha, chiếm tỷ lệ 24,1% so với tổng diện tích gieo trồng; tỷ lệ nhiễm nặng từ 5% trở lên là 8.262ha, chiếm tỷ lệ 24,6% tổng diện tích gieo trồng.

Cục Bảo vệ Thực vật đã phối hợp với các cơ quan nghiên cứu xác định nguyên nhân gây bệnh đốm nâu hại thanh long là nấm Neoscytalidium dimidiatum (Penz) Crous và Slippers. Bệnh phát sinh, gây hại nặng vào mùa mưa, ẩm độ cao thích hợp cho nấm phát triển.

Những vườn thanh long không được cắt tỉa đúng kỹ thuật, rậm rạp, thoát nước kém, sử dụng nhiều phân đạm hay bón phân chuồng ủ hoai mục, sử dụng nhiều chất kích thích sinh trưởng đều có tỷ lệ bệnh cao hơn.

Để giúp nông dân phòng trừ bệnh, Cục Bảo vệ Thực vật đã ban hành quy trình kỹ thuật tạm thời phòng, chống bệnh đốm nâu, trong đó tập trung vào quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), gồm các biện pháp canh tác như vệ sinh đồng ruộng, tiêu huỷ nguồn bệnh để hạn chế lây lan, bón phân cân đối, chăm sóc cây khoẻ, tỉa cành tạo tán cây thông thoáng, tưới nước hợp lý.

Đến nay, các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang đã tổ chức 103 cuộc tập huấn cho 4.322 nông dân về các biện pháp phòng trừ bệnh đốm nâu trên thanh long, đồng thời xây dựng các mô hình quản lý tổng hợp bệnh đốm nâu hại thanh long theo hướng bền vững.

Ngành bảo vệ thực vật các tỉnh Tiền Giang, Long An cũng đang lập kế hoạch triển khai các mô hình thử nghiệm tìm ra biện pháp quản lý bệnh hiệu quả, mô hình quản lý bệnh theo quy trình tạm thời phòng chống bệnh đốm nâu.

Cục Bảo vệ Thực vật đã tiếp nhận và cấp 14 giấy phép khảo nghiệm thuốc phòng trừ bênh đốm nâu thanh long cho các doanh nghiệp kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật; đã có kết quả khảo nghiệm của 5 loại thuốc, các thuốc còn lại đang triển khai khảo nghiệm.

Thanh long được trồng tập trung chủ yếu ở 3 tỉnh tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang, với tổng diện tích 33.608ha, trong đó tập trung chủ yếu ở tỉnh Bình Thuận 24.000 ha, Long An 5.408ha và Tiền Giang 4.200ha.

Do diện tích trồng thanh long tăng nhanh chóng trong thời gian ngắn, đầu tư thâm canh cao nhưng không áp dụng hợp lý các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp theo hướng bền vững đã tạo điều kiện cho sâu bệnh gia tăng, đặc biệt là các bệnh hại trên thanh long phát sinh gây hại, lây lan nhanh rất khó kiểm soát./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục