Tính đến ngày 31/8, Ngân hàng Chính sách Xã hội đang quản lý trên 20 chương trình tín dụng chính sách xã hội theo chỉ định của Chính phủ và một số dự án cho vay, tổng dư nợ đạt 182.988 tỷ đồng, với hơn 8,3 triệu món vay của gần 6,7 triệu khách hàng đang còn dư nợ.
Trong đó, gần 1,5 triệu khách hàng là hộ dân tộc thiểu số đang thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng tại Ngân hàng Chính sách Xã hội, với tổng dư nợ 45.194 tỷ đồng, chiếm 24,7%/tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách, dư nợ bình quân một hộ dân tộc thiểu số đạt 30,6 triệu đồng/hộ; bình quân chung là 27,3 triệu đồng/hộ.
[Cho vay tài chính vi mô: Giúp phụ nữ yếu thế thoát nghèo]
Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách Xã hội cho biết, vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của cuộc sống trong vùng dân tộc thiểu số và giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số dần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm bệnh tật, thất học và các tệ nạn xã hội.
Đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận nguồn vốn của Chính phủ để thực tập làm ăn, tạo việc làm, từng bước nâng cao trình độ quản lý sản xuất, góp phần ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi ở vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi...
Đặc biệt, thông qua sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội đã tác động đến nhận thức, giúp đồng bào dân tộc thiểu số tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội. Chất lượng tín dụng chính sách xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần bảo toàn nguồn vốn cho vay.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Ngân hàng Chính sách Xã hội, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, khó khăn như: Tín dụng chính sách xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số mới chỉ dừng lại ở một số chương trình tín dụng dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, chưa có chính sách tín dụng đặc thù dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung. Hộ dân tộc thiểu số thụ hưởng các chương trình tín dụng với mức vay tối đa và thời gian vay như hiện nay (50 triệu đồng/hộ, thời gian tối đa 5 năm) chưa tạo tác động chuyển biến đột phá về phát triển kinh tế-xã hội trong khu vực dân tộc thiểu số.
Để việc triển khai cho vay tín dụng chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số đạt hiệu quả cao hơn, đề nghị Quốc hội quy định một tỷ lệ nhất định từ nguồn vượt thu ngân sách Trung ương hàng năm để bổ sung nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng chính sách được kịp thời, nhất là các chương trình tín dụng dành cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Chính phủ, các Bộ ngành bố trí đủ nguồn lực, bảo đảm cho Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước đối với hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách khác. Hàng năm, bố trí dự toán chi cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý, bổ sung vốn điều lệ, vốn cấp cho các chương trình, bảo đảm đủ vốn để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách.
Bổ sung thêm đối tượng được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách Xã hội: Mở rộng đối tượng hộ dân tộc thiểu số có mức sống trung bình (không giới hạn hộ dân tộc thiểu số nghèo) được vay vốn, với mức vay có thể đến 100 triệu đồng/hộ, với thời gian dài hơn (trên 10 năm) để phù hợp dự án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, tạo động lực chuyển biến mạnh mẽ trong vùng dân tộc thiểu số.../.