Gần 15% dân số Việt Nam có các rối loạn tâm thần

Hiện có khoảng 14,9% dân số Việt Nam có các rối loạn tâm thần với các hình thức chủ yếu như động kinh, trầm cảm, mất trí...
Gần 15% dân số Việt Nam có các rối loạn tâm thần ảnh 1Khám sức khỏe cho bệnh nhân tâm thần. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Tại Việt Nam, hiện có khoảng 14,9% dân số có các rối loạn tâm thần. Các rối loạn tâm thần phố biến là tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, mất trí, chậm phát triển tâm thần, nghiện rượu, ma túy, rối loạn hành vi thanh thiếu niên.

Thông tin này được đưa ra tại Diễn đàn “Mạng lưới nghiên cứu-đào tạo quốc tế châu Á-Thái Bình Dương” về sức khỏe tâm thần, khai mạc ngày 14/4 tại Hà Nội.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh diễn đàn là cơ sở để thiết lập mạng lưới hợp tác khu vực về dịch vụ, nghiên cứu và đào tạo để cải thiện cuộc sống của người rối loạn tâm thần. Mạng lưới này sẽ hỗ trợ củng cố, phát triển các dịch vụ sức khỏe tâm thần dựa trên bằng chứng, lồng ghép với các sáng kiến nghiên cứu và đào tạo.

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho rằng việc thiếu hụt nghiêm trọng các nghiên cứu khoa học, thông tin về sức khỏe tâm thần là rào cản trong việc xây dựng và thực thi các chính sách, luật pháp, kế hoạch sức khỏe tâm thần. Để việc xây dựng chính sách, luật pháp, lập kế hoạch về sức khỏe tâm thần phù hợp, khả thi, đạt được các mục tiêu trong Kế hoạch hoạt động toàn cầu về sức khỏe tâm thần giai đoạn 2013-2020, việc tăng cường triển khai các nghiên cứu và cung cấp bằng chứng về sức khỏe tâm thần là rất cần thiết.

"Hiện tại, mới chỉ có một số nước tổ chức tốt hệ thống quản lý, chăm sóc sức khỏe tâm thần, trong khi đó, điều này có ảnh hưởng không nhỏ đến sự ổn định, phát triển kinh tế-xã hội của mỗi nước. Nhiều tội phạm nghiêm trọng do các đối tượng bị rối loạn tâm thần gây ra, nhưng việc kết tội các đối tượng này rất khó khăn...," Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh. Vì vậy, việc phòng, tăng cường sức khỏe tâm thần là một nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, đòi hỏi phải có sự cam kết mạnh mẽ, quyết tâm cao của các quốc gia trong khu vực và trên toàn thế giới, cũng như sự quan tâm, phối hợp, và ủng hộ hơn nữa của tất cả các chính phủ, các tổ chức trong nước, quốc tế.

Với sự hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật của Đại học Rochester, Đại học Melbourne, Tổ chức Y tế Thế giới, Đại học Oslo, các đại biểu tham dự diễn đàn đã chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau thảo luận, xác định các ưu tiên trong nghiên cứu, can thiệp về sức khỏe tâm thần để hợp tác cùng nhau, đẩy mạnh mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm thần khu vực.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2008, trên thế giới có trên 150 triệu người bị trầm cảm, trên 125 triệu người bị ảnh hưởng do sử dụng rượu, trên 40 triệu người bị động kinh và 24 triệu người bị mất trí.

Các rối loạn tâm thần, thần kinh và các rối loạn do sử dụng chất rất phổ biến ở tất cả các khu vực trên thế giới, ảnh hưởng đến mọi cộng đồng và mọi nhóm tuổi. Các rối loạn này chiếm khoảng 14% gánh nặng bệnh tật toàn cầu, trong đó 75% gánh nặng của các rối loạn này là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Thời gian qua, để cải thiện sức khỏe tâm thần, Tổ chức Y tế Thế giới đã kêu gọi hành động của các Chính phủ, tổ chức xã hội, tổ chức đa phương, song phương, đối tác toàn cầu, tổ chức tư nhân, cơ quan nghiên cứu... tập trung quan tâm đến lĩnh vực sức khỏe tâm thần.

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo các quốc gia xây dựng, củng cố, cập nhật và thực hiện các chính sách, chiến lược, chương trình, luật pháp và các quy định về sức khỏe tâm thần trong tất cả các bộ, ngành liên quan; lập kế hoạch nguồn lực; hợp tác giữa các bên liên quan: bao gồm hợp tác liên ngành, huy động sự tham gia của người bệnh, gia đình, cộng đồng trong việc xây dựng và thực thi chính sách, luật pháp, dịch vụ liên quan đến sức khỏe tâm thần...

Diễn đàn “Mạng lưới nghiên cứu-đào tạo quốc tế châu Á-Thái Bình Dương” với chủ đề sức khỏe tâm thần do Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, Đại học Rochester, Đại học Melbourne, Tổ chức Y tế Thế giới, Đại học Oslo phối hợp tổ chức sẽ kết thúc ngày 15/4./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục