Gần 14.800 xe bị thu hồi phù hiệu, đình chỉ khai thác một tháng

Cả nước đã xử lý vi phạm thu hồi phù hiệu, đình chỉ khai thác tuyến với thời hạn một tháng là 14.782 xe trong bảy tháng vừa qua thông qua dữ liệu thiết bị giám sát hành trình.
Kiểm tra thiết bị hộp đen của đơn vị kinh doanh vận tải. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cả nước đã xử lý vi phạm đối với 15.874 phương tiện, trong đó thu hồi phù hiệu, đình chỉ khai thác tuyến với thời hạn một tháng là 14.782 xe trong bảy tháng vừa qua.

Cụ thể, trong tháng Bảy, bình quân có 77,44% tổng số phương tiện truyền dữ liệu về hệ thống của Tổng cục. Trong đó, 10 địa phương có tỷ lệ phương tiện không truyền dữ liệu cao nhất về hệ thống của Tổng cục gồm Bắc Ninh, Hà Nội, Tây Ninh, Bình Phước, Hải Phòng, Thái Nguyên, Bình Thuận, Phú Yên, Bạc Liêu và Thanh Hóa.

[Dữ liệu GPS ôtô “chết”: Thiết bị gặp sự cố hay nhà xe cố tình ngắt?]

Về tình hình vi phạm tốc độ xe chạy của các địa phương, theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong tháng Bảy, cả nước có tổng số 161.787 lần vi phạm tốc độ; tỷ lệ vi phạm tốc độ bình quân tính trên 1.000km là 0,123 lần/1.000km.

“Luỹ kế đến hết tháng Bảy, cả nước có tổng số 640.037 lần vi phạm quá tốc độ, tỷ lệ vi phạm tốc độ bình quân tính trên 1.000km là 0,083 lần/1.000km, giảm 33,6% so với cùng kỳ năm 2016,” ông Huyện cho hay.

Cũng trong tháng Bảy vừa qua, cả nước đã xử lý 3.823 xe; trong đó thu hồi phù hiệu, đình chỉ khai thác tuyến với thời hạn một tháng là 3.675 xe; thu hồi Giấy phép kinh doanh vận tải một đơn vị; từ chối cấp phù hiệu là 147 xe.

“Tính chung bảy tháng của năm 2017, cả nước đã xử lý vi phạm đối với 15.874 phương tiện; trong đó thu hồi phù hiệu, đình chỉ khai thác tuyến với thời hạn một tháng là 14.782 xe; thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải 03 đơn vị; từ chối cấp phù hiệu là 1.089 xe,” ông Huyện cho biết.

Để tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông, đặc biệt là các tai nạn nghiêm trọng liên quan đến hoạt động của xe kinh doanh vận tải, Tổng cục Đường bộ đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường công tác theo dõi, giám sát và xử lý vi phạm (nếu có), đặc biệt một số tỉnh chưa thực hiện xử lý vi phạm hoặc có xử lý nhưng số lượng phương tiện bị xử lý rất ít (dưới 10 trường hợp).

Đối với những trường hợp vi phạm, Sở Giao thông Vận tải yêu cầu doanh nghiệp có báo cáo giải trình và kiểm tra tính xác thực trước khi ra quyết định xử lý vi phạm.

Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ sẽ thực hiện kiểm tra đột xuất việc quản lý hoạt động vận tải thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình đối với các Sở Giao thông Vận tải có nhiều vi phạm hoặc không xử lý vi phạm theo quy định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục