Gần 1/3 số nhà xuất bản không đủ điều kiện hoạt động

Trong 63 nhà xuất bản trên cả nước, hiện chỉ có 24 nhà xuất bản (chiếm 38,1%) đủ điều kiện hoạt động, nhiều nhà xuất bản hoạt động yếu kém, thậm chí trong 6 tháng chỉ xuất bản khoảng 10 đầu sách.
Gần 1/3 số nhà xuất bản không đủ điều kiện hoạt động ảnh 1Toàn cảnh buổi họp giao ban công tác xuất bản 6 tháng đầu năm 2015. (Ảnh: Nguyễn Văn Nhật/TTXVN)

Ngày 16/7, tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban công tác xuất bản 6 tháng đầu năm​

Trong 6 tháng qua, ngoài việc đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng bạn đọc, ngành xuất bản Việt Nam đã ​cho ra mắt nhiều xuất bản phẩm phục vụ các ngày lễ lớn trong năm 2015.

Trong 6 tháng đầu năm, các nhà xuất bản trong toàn quốc đã đăng ký xuất bản 48.035 cuốn, nộp lưu chiểu 11.640 cuốn với 104 triệu bản in. ​Như vậy, so với cùng kỳ năm trước, số lượng sách đăng ký xuất bản giảm 7,3% ​và số bản in giảm 46,2%​.

Nội dung xuất bản phẩm của các nhà xuất bản đã bám sát nhiệm vụ chính trị, văn hóa, tư tưởng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc và phục vụ tốt công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trên mọi lĩnh vực của đời sống.

Các nhà xuất bản đã​ ra mắt nhiều xuất bản phẩm khẳng định thành tựu của Đảng và nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; khẳng định lòng kiên định, quyết tâm đi theo con đường xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng; củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, hoạt động của các nhà xuất bản cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, một số nhà xuất bản đăng ký đề tài không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, vẫn còn hiện tượng đăng ký tên sách không phù hợp với tóm tắt nội dung, tóm tắt nội dung sơ sài hoặc trích nguyên tên sách vào phần tóm tắt nội dung hoặc viết tắt, viết sai chính tả; nộp xuất bản phẩm lưu chiểu chậm; ghi không đầy đủ hoặc không đúng quy định các thông tin trên xuất bản phẩm.

Bên cạnh đó, một số nội dung xuất bản phẩm phản ánh hiện thực xã hội một cách sai lệch, không khách quan, có những nhận định, đánh giá tiêu cực đối với một số vấn đề chính trị xã hội, không phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Một số nhà xuất bản không biên tập, đọc duyệt kỹ lưỡng, dẫn đến có những cuốn vi phạm về nội dung, bị cơ quản quản lý xử lý; ngôn từ trong một số cuốn sách có nội dung không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, gây lệch lạc trong nhận thức của người đọc.

Trong 63 nhà xuất bản trên toàn quốc chỉ có 24 nhà xuất bản (chiếm 38,1%) đảm bảo đủ điều kiện hoạt động. Song, do thiếu nguồn tài chính, thiếu chức danh lãnh đạo, thiếu biên tập viên, thiếu diện tích trụ sở, chỉ có khoảng 13% nhà xuất bản hoạt động ổn định và phát triển, 11% nhà xuất bản hoạt động thua lỗ, số còn lại hoạt động cầm chừng, thiếu ổn định.

Một số nhà xuất bản có năng lực xuất bản yếu kém, trong 6 tháng đầu năm 2015 chỉ xuất bản được trên dưới 10 đầu sách.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác xuất bản, các đại biểu dự hội nghị đề nghị tiếp tục tuyên truyền, phổ biến và triển khai trên phạm vi toàn quốc Luật Xuất bản và các văn bản pháp luật khác liên quan đến hoạt động xuất bản; tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ biên tập cho biên tập viên các nhà xuất bản; hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý và cơ chế chính sách đồng bộ hỗ trợ cho hoạt động xuất bản phát triển.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất để phát hiện và xử lý kịp thời, kiên quyết những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động xuất bản; tăng cường phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước và các cơ quan chức năng trong việc thẩm định nội dung xuất bản phẩm và kiểm tra, giám sát hoạt động của nhà xuất bản theo quy định.

Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các nhà xuất bản đẩy mạnh xuất bản sách, tài liệu phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước; chú trọng xuất bản các xuất bản phẩm tuyên truyền bảo vệ an ninh, trật tự, chủ quyền quốc gia, chào mừng đại hội đảng các cấp; nâng cao vai trò, trách nhiệm của giám đốc, tổng biên tập, biên tập viên các nhà xuất bản trong quản lý chuyên môn, nghiệp vụ.

Các nhà xuất bản cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ đáp ứng yêu cầu phát triển của hoạt động xuất bản; mở rộng đầu tư, khai thác bản thảo, xây dựng quy trình biên tập, quy trình xuất bản và liên kết xuất bản theo đúng quy định, tránh các sai sót, vi phạm quy định pháp luật về xuất bản.../. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục