Gần 1/3 diện tích tự nhiên của TP.HCM bị ngập do nước biển dâng

Do chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, nước biển dâng khiến gần 1/3 diện tích tự nhiên của Thành phố Hồ Chí Minh bị ngập.
Gần 1/3 diện tích tự nhiên của TP.HCM bị ngập do nước biển dâng ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Kim Há/TTXVN)

Thành phố Hồ Chí Minh đang phải nỗ lực triển khai các giải pháp công trình, phi công trình để ứng phó với tình trạng gần 1/3 diện tích tự nhiên của Thành phố bị ngập do chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu khiến nước biển dâng.

Lập quy hoạch, triển khai có hiệu quả các dự án chống ngập đang là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Thành phố nhằm giảm thiểu tác động đến đời sống của người dân trong ít nhất 5 năm tới.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố về hiện tượng sụt lún trên địa bàn cho thấy một số quận như quận 2, 6, 7, 8, Bình Tân, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh, Hóc Môn... đang bị lún mặt đất với tốc độ 5 mm/năm.

Nguyên nhân của tình trạng sụt lún đất được các chuyên gia chỉ ra là do khai thác nước ngầm quá mức.

Hiện thành phố khai thác nước ngầm với khối lượng 670.000 m3/ngày, khiến mực nước ngầm bị hạ thấp tạo ra các vụ sụt lún. Bên cạnh đó, vỉa hè được bêtông hóa tăng nhanh đã hạn chế khả năng thấm hút nước, khiến mực nước ngầm trung bình giảm từ 2-3 m/năm.

Do lượng nước ngầm giảm, tầng ngậm nước bị co lại, gây ra hiện tượng sụt lún đất. Tình trạng sụt lún nghiêm trọng nhất xảy ra ở khu vực phía Nam và Tây Nam thành phố, mức độ sụt lún khoảng 4-5 mm/năm. Thậm chí, sau khi giảm sử dụng nước ngầm thì tác động của sụt lún vẫn tiếp tục diễn ra.

Trả lời chất vấn của các đại biểu tại kỳ họp 16 Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra ngày 11/12, ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố, cho biết hiện 1/3 diện tích tự nhiên của thành phố bị ảnh hưởng của triều cường.

Do tác động của biến đổi khí hậu nên triều ngày càng lên cao, đỉnh triều cao nhất trong tháng 10 vừa qua trên sông Sài Gòn là 1,68m. Mưa cũng xuất hiện dày đặc hơn nên làm tình trạng ngập của thành phố càng trở nên trầm trọng.

Tới giữa tháng 12 khu vực Nam bộ đã bước vào mùa khô, nhưng ở Thành phố Hồ Chí Minh năm nay vẫn xuất hiễn những cơn mưa rào lớn khiến cho các tuyến đường như Kinh Dương Vương, Hồng Bàng, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo (quận 5), đường Tân Hóa (quận 6), các tuyến đường trong khu dân cư Chánh Hưng (quận 8)... bị ngập nặng, gây đảo lộn cuộc sống của người dân.

Hiện Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành giai đoạn 1 của bốn dự án ODA lớn để bổ sung gần 165km cống vào hệ thống thoát nước chung của thành phố; hoàn thành được 38 dự án cải tạo, phát triển hệ thống thoát nước với tổng chiều dài gần 20km; hoàn thành cơ bản các công trình cống kiểm soát triều kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè và đã đưa vào vận hành để bảo vệ toàn bộ lưu vực quận 1, 3, 10, Bình Thạnh, Phú Nhuận.

Các công trình chống ngập cần lượng vốn lớn nên thành phố đang phải triển khai nhiều giai đoạn, nhưng trước mắt thành phố đã cho đặt 1.077 van một chiều để kiểm soát triều và tiếp tục triển khai thi công tuyến kênh Tân Hóa-Lò Gốm, ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố cho biết.

Cũng theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải, nguyên nhân tái diễn các điểm ngập úng trong thành phố là do các đơn vị thi công công trình chống ngập gây ra.

Giải pháp trước mắt là tăng cường công tác nạo vét, tiếp tục tuyên truyền người dân không xả rác xuống các kênh rạch. Cùng với các giải pháp kể trên, thành phố phấn đấu đến năm 2020, tất cả các điểm ngập được giải quyết.

Để giảm tình trạng sụt lún đất ở Thành phố Hồ Chí Minh, theo các nhà nghiên cứu về môi trường thì trước mắt cần giảm khai thác nước ngầm và có phương án phục hồi nguồn nước tự nhiên và nhân tạo.

Quy hoạch cấp nước của Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 thì lượng nước ngầm khai thác sẽ giảm dần và khối lượng nước cho phép khai thác đến năm 2025 chỉ còn 100.000 m3/ngày.

Một giải pháp khác đó là thiết kế xây dựng khoảng 30 hồ điều tiết nước quy mô lớn ở khu vực ngoại thành. Còn ở khu vực nội thành chỉ xây dựng các hồ có quy mô nhỏ, nằm xen cài trong khu dân cư, hầm chứa ngầm dọc vỉa hè, sân trường, trong tòa nhà...

Nếu triển khai đồng bộ việc xây các hồ điều tiết, lượng nước mưa tích trữ sẽ lên đến hàng chục triệu mét khối và theo đó sẽ giúp giảm được 30% tình trạng ngập úng cho thành phố so với hiện nay.

Kinh phí xây dựng các hồ điều tiết lớn sẽ sử dụng nguồn vốn từ ngân sách, còn các hồ chứa nhỏ sẽ huy động nguồn lực từ cộng đồng xã hội...

Theo Ban Chỉ đạo thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2011-2015, thành phố sẽ thực hiện 30 dự án ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm đối phó với kịch bản nước biển dâng 75cm (khi đó diện tích bị ngập của thành phố là 204km2, ảnh hưởng trực tiếp đến 154 trong tổng số 322 phường, xã).

Bốn lĩnh vực được ưu tiên đầu tư là tài nguyên nước, năng lượng, quản lý chất thải và quản lý tài nguyên đất. Tổng kinh phí cho các dự án này khoảng hơn 4.000 tỷ đồng.

Theo tiến sỹ Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, từ trước đến nay, thành phố xây dựng được khá nhiều đồ án quy hoạch tốt nhưng chưa quan tâm đúng mức đến việc quản lý thực hiện triển khai quy hoạch nên kết quả thu được trên thực tế chưa cao. Do đó cần ưu tiên trong việc nghiên cứu và tích hợp đầy đủ các dự báo về biến đổi khí hậu vào đồ án quy hoạch chung xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong khi đó, giáo sư-tiến sỹ Lê Hồng Kế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu môi trường và quy hoạch phát triển bền vững cho rằng thành phố cần nghiên cứu thiết kế xây dựng đê bao ven biển, nâng cốt đỏ cục bộ theo quy hoạch chung của thành phố lên 10-20 cm so với mức tiêu chuẩn cho phép, đồng thời khoanh vùng nhằm đánh giá và xác định chính xác vùng trũng để tạo nên các hồ chứa phù hợp.

Các chuyên gia cũng cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh cần xem xét lại cách tiếp cận trong quy hoạch và quản lý đô thị tại thành phố, từ quy hoạch tổng thể cho đến quy hoạch chi tiết từng khu đô thị để có những biện pháp ứng phó với ngập lụt đô thị cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu.

Một chiến lược kiểm soát ngập lý tưởng là một tổng thể cân bằng giữa các hướng gồm bảo vệ-thích nghi-rút lui và quy hoạch đô thị hợp lý đóng vai trò quyết định đối với kiểm soát ngập bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Phát triển các khu đô thị xanh, thân thiện với môi trường đang là xu thế của các nhà đầu tư để mang lại cuộc sông hạnh phúc nhất cho cư dân đô thị trong tương lai.

Bên cạnh đó, chính quyền thành phố cũng đang khiến khích các nhà đầu tư vào các dự án phát triển rừng phòng hộ ven biển, đô thị công nghiệp thân thiện với môi trường để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến cuộc sống người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục