Trong thời gian qua, nhận thức về thách thức của biến đổi khí hậu của các cấp ủy, các ngành đã được nâng lên; có sự chuyển biến từ nhận thức sang hành động cụ thể.
Việc chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện ngày càng sát thực tế, đầy đủ và chính xác các thách thức đang đặt ra đối với từng vùng. Điều này góp phần thức đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo hướng phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nhận định trên được đưa ra tại hội nghị sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 120/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu (Nghị quyết 120), của tỉnh Bạc Liêu được tổ chức ngày 23/10.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu, thực hiện Nghị quyết 120, trong thời gian qua, tỉnh đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để triển khai trên địa bàn tỉnh; tiếp tục triển khai thực hiện các dự án, nhất là các dự án ưu tiên về biến đổi khí hậu; xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hằng năm, kế hoạch năm năm, nhằm đảm bảo phát triển kinh tế gắn với phát triển bền vững trong tất cả các lĩnh vực.
Ủy ban Nhân dân tỉnh đã xây dựng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2016-2020 với tổng kinh phí gần 12.000 tỷ đồng, bao gồm ngân sách Trung ương và địa phương. Trong số đó, bố trí gần 3.000 tỷ đồng nguồn vốn thực hiện dự án thuộc chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh; dự án đầu tư xây dựng công trình phòng, chống lụt, bão. Cụ thể là dự án Khu neo đậu tránh trú bão kết hợp Cảng cá Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu; dự án công trình ngăn triều chống ngập thành phố Bạc Liêu và vùng lân cận; dự án kè Gành Hào; dự án đê Biển Đông; Kè chống sạt lở cửa biển Nhà Mát...
Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện các cơ chế, chính sách, tập trung thúc đẩy phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững; trong đó, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy mô hình hình liên kết bốn nhà; thực hiện các giải pháp xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường, ngành hàng chủ lực, chính sách tín dụng đối với lúa gạo; ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, nhất là chế biến sâu về nông sản. Bên cạnh đó, tỉnh còn quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, đô thị ổn định dân cư, gắn kết các quy hoạch phát triển...
[Bạc Liêu đặt mục tiêu thành trung tâm năng lượng sạch của quốc gia]
Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ của một số sở, ngành, địa phương vẫn còn xem nhẹ, chưa thực hiện tốt các chỉ đạo của cấp trên; chưa ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện của ngành, địa phương mình. Ngoài ra, trong năm 2020 còn bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 nên việc thực hiện một số nhiệm vụ đề ra gặp nhiều khó khăn.
Cùng với đó, Bạc Liêu vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do tác động của biến đổi khí hậu như nước biển dâng, sạt lở; cơ sở hạ tầng yếu kém; hạ tầng phục vụ cho lưu thông hàng hóa chưa đảm bảo; hội nhập, sức cạnh tranh và thu hút đầu tư còn hạn chế; nông nghiệp là thế mạnh nhưng vẫn còn rất ít doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Theo ông Lê Minh Chiến, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu, để thực hiện Nghị quyết số 120 có hiệu quả, Bạc Liêu cần đẩy mạnh triển khai lập quy hoạch giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng khai thác sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Tỉnh tích cực huy động nguồn lực để thực hiện lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong ứng phó với biến độ khí hậu; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030; tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên và chủ động ứng phó biến đổi khí hậu.
Cùng với đó, tỉnh cũng kiến nghị Trung ương xây dựng, thực hiện một cách hiệu quả các dự án lớn, phát triển hạ tầng đa mục tiêu; đẩy nhanh việc triển khai các chương trình, dự án đã ký kết hoặc đã phân vốn để sớm phát huy hiện quả; chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ khai thác chiều rộng sang chiều sâu theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật nâng cao giá trị hàng hóa; tiếp tục phát triển công nghiệp xanh, ít phát thải, ứng dụng công nghệ cao; phát triển năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường./.