Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2019, các địa phương phấn đấu tái canh, ghép cải tạo 15.000ha càphê, đồng thời sẽ chuyển một phần diện tích có điều kiện thổ nhưỡng không phù hợp với cây càphê vối sang trồng càphê chè có giá trị kinh tế cao hơn, giảm dần diện tích càphê, đặc biệt ở những vùng khó khăn về nước tưới để ổn định 600.000ha vào năm 2020.
Đến nay, tổng diện tích càphê tái canh và ghép cải tạo tại các tỉnh Tây Nguyên đạt 108.800ha, đạt gần 91% kế hoạch đến năm 2020 là 120.000ha.
Tỉnh Lâm Đồng có diện tích trồng tái canh và ghép cải tạo cao nhất 54.000ha, tăng 18% so với kế hoạch đến năm 2020. Các địa phương khác đạt thấp hơn, như Gia Lai 26.900ha, đạt 63% kế hoạch đến năm 2020; Đắk Nông 15.100ha, đạt 61%; Gia Lai 12.700ha, đạt 71%.
[Đắk Lắk không tăng diện tích càphê ngoài vùng quy hoạch]
Những diện tích càphê được tái canh chủ yếu trồng bằng các giống mới, đã từng bước phát huy tiềm năng về năng suất và chất lượng càphê nhân, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Về trồng xen, diện tích trồng xen trong vườn càphê của các tỉnh Tây Nguyên và hai tỉnh vùng Đông Nam bộ Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu là 115.282/617.228ha, chiếm 18,7% diện tích càphê. Cây trồng xen chủ yếu là hồ tiêu, bơ, sầu riêng, điều...
Trồng xen hồ tiêu trong vườn càphê là phổ biến nhất, chỉ tính riêng ba tỉnh Đắk Lắk, Bình Phước và Gia Lai là trên 22.000ha. Tại ba tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng và Gia Lai, diện tích trồng xen bơ trong càphê đạt gần 12.500ha, trồng xen sầu riêng trong càphê đạt trên 10.000ha. Diện tích càphê có trồng xen điều đạt gần 12.300ha; trong đó diện tích trồng xen chủ yếu tại tỉnh Bình Phước.
Theo ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, việc trồng xen trong vườn càphê bước đầu đã đem lại hiệu quả. Cây trồng xen và cây càphê có thời gian thu hoạch khác nhau nên giúp cho nông dân có thu hoạch rải đều trong năm và tăng thêm thu nhập.
Nhằm hướng dẫn các địa phương trong việc trồng xen trong vườn càphê, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành quy trình kỹ thuật trồng xen cây hồ tiêu, bơ, sầu riêng trong vườn càphê vối để tránh ảnh hưởng đến sản lượng cây trồng chính.
Theo kết quả điều tra một số mô hình trồng xen tiêu tại Đắk Lắk hiệu quả kinh tế gấp khoảng 1,7 lần so với càphê trồng đơn thuần trên cùng đơn vị diện tích; mô hình trồng xen với cây ăn quả như bơ, sầu riêng tại Lâm Đồng cho hiệu quả kinh tế cao, doanh thu có thể đạt 192 triệu đồng/ha/năm./.