Gần 1.000ha rừng thông ở Quảng Trị bị dịch sâu róm phá hoại

Do diễn biến bất lợi của thời tiết nắng nóng kéo dài, khoảng nửa tháng nay, gần 1.000ha rừng thông ở Cam Lộ, Quảng Trị bị dịch sâu róm bùng phát, phá hoại
Gần 1.000ha rừng thông ở Quảng Trị bị dịch sâu róm phá hoại ảnh 1

Do diễn biến bất lợi của thời tiết nắng nóng kéo dài, khoảng nửa tháng nay, gần 100ha rừng thông của bà con xã viên Hợp tác xã An Mỹ, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị phải ngừng khai thác nhựa do dịch sâu róm bùng phát và phá hoại.

Hợp tác xã phải huy động nhân lực với hàng trăm ngày công để tập trung cho việc dập dịch sâu róm.

Hầu hết diện tích thông ở đây đều bị sâu róm ăn trụi lá, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây; trong đó nhiều diện tích có nguy cơ bị chết do bị sâu róm phá hoại và nắng hạn kéo dài.

Không chỉ riêng diện tích rừng thông của bà con bị sâu róm phá hoại. Hiện nay, có đến 900ha trong số hơn 1.000ha rừng thông của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đường 9 trên địa bàn huyện Cam Lộ cũng bị sâu róm phá hoại; trong đó bị nặng khoảng 500ha, mật độ sâu róm từ 200-300 con/cây.

Trước tình hình dịch sâu róm bùng phát và gây hại trên diện rộng, các đơn vị chủ rừng, chính quyền địa phương, bà con nhân dân đang tích cực triển khai các biện pháp phòng trừ.

Tuy nhiên do cây thông quá cao, việc phun thuốc phòng trừ gặp rất nhiều khó khăn nên các đơn vị chủ yếu dập dịch bằng biện pháp thủ công để bảo vệ diện tích thông của mình. Mỗi ngày có hàng trăm bà con xã viên vào rừng để bắt sâu nhưng số lượng thu gom được rất ít.

Ông Nguyễn Quốc Huy, Chủ nhiệm Hợp tác xã An Mỹ, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị cho biết dịch sâu róm gây hại cho rừng thông trên địa bàn huyện Cam Lộ trong thời gian qua quá nhiều, chưa có cách nào để xử lý triệt để. Trước mắt, hợp tác xã chỉ lên phương án bắt sâu theo phương thức thủ công. Thời gian tới hợp tác xã sẽ tổ chức bẫy bướm bằng đèn vào ban đêm, thời gian khoảng 7-10 ngày. Hợp tác xã sẽ hỗ trợ một phần kinh phí để động viên bà con dập dịch.

Ngoài việc cải tạo môi sinh môi trường, hiện nay, thông là loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao từ việc khai thác nhựa, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng trăm lao động trên địa bàn huyện Cam Lộ. Vì vậy, việc chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống dịch sâu róm không những đảm bảo cho diện tích rừng thông phát triển ổn định, mà còn tạo nguồn thu nhập ổn định và lâu dài cho người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục