Gần 10.000 bài dự thi viết tấm gương nhà giáo tâm huyết, sáng tạo

Cuộc thi do Báo Giáo dục và Thời đại phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tổ chức.
Ban tổ chức trao giải ba cho các tác giả. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Ban tổ chức trao giải ba cho các tác giả. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chiều 18/9, ban tổ chức cuộc thi “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác” lần thứ III, năm học 2019-2020 đã trao giải cho 11 tác phẩm xuất sắc nhất.

Cuộc thi do Báo Giáo dục và Thời đại phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tổ chức.

Cuộc thi đã nhận được gần 10.000 bài viết tham gia từ khắp 63 tỉnh, thành. Ban giám khảo cho hay chất lượng bài dự thi khá tốt, nội dung phong phú và có chiều sâu. Nhiều bài viết đã để lại những xúc cảm sâu sắc cho người đọc bởi những tấm gương tâm huyết, sáng tạo luôn hết lòng vì học trò, vì sự nghiệp giáo dục của các nhà giáo; trong đó có cả tấm gương của những học sinh nhỏ tuổi qua góc nhìn của thầy cô.

Theo đó, cuộc thi thực sự là nơi phát hiện thêm nhiều gương điển hình, nhiều mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả trên các lĩnh vực của đời sống xã hội để tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng, tạo hiệu ứng lan tỏa điều tốt đẹp trong xã hội.

[Cậu bé 8 tuổi chỉ nặng 3,5kg và người thầy hết lòng vì học trò]

Ban giám khảo cuộc thi đã chọn được 75 bài vào vòng chung khảo và chọn được 11 tác phẩm để trao giải, gồm một giải nhất; hai giải nhì, ba giải ba, 5 giải khuyến khích. Ngoài ra, ban tổ chức còn trao một giải nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải và hai giải cho tập thể có số lượng bài dự thi đông và đạt chất lượng tốt.

Giải nhất thuộc về tác giả Lê Trầm Phương Thanh, Giáo viên Trường Trung học cơ sở Võ Thị Sáu, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, với tác phẩm “Học sử qua bài hát và những chuyến đi.” Giải nhân vật tiêu biểu thuộc về cô giáo Nguyễn Thị Ánh Ngọc, nhân vật trong tác phẩm “Cô Ngọc ‘cười’ ở mái trường Trung học phổ thông Ngô Gia Tự, Đắk Lắk” của Tác giả Trần Lệ Nguyễn Lam Phương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục