Ngày 17/4, tại Cung Thiếu nhi Hà Nội, Thành đoàn Hà Nội đã phối hợp với Hội người mù thành phố Hà Nội tổ chức Festival Niềm tin và Ánh sáng lần thứ 2.
Gần 1.000 hội viên Hội Người mù và đoàn viên, thanh niên, sinh viên cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân Thủ đô đã tham dự Festival.
Đây là hoạt động được tổ chức nhân kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập Hội Người mù Việt Nam (17/4/1969-17/4/2014), 43 năm thành lập Hội Người mù thành phố Hà Nội, hưởng ứng Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4 và chào mừng Năm Thanh niên Tình nguyện 2014.
Trước đó, Festival Niềm tin và Ánh sáng lần thứ nhất được tổ chức vào năm 2011.
Với thông điệp “Đoàn kết, vượt khó, cùng cộng đồng xây dựng thủ đô giàu đẹp, văn minh,” chương trình năm nay được tổ chức với các nội dung thiết thực, mang tính nhân văn như: tổ chức các gian trại trưng bày các sản phẩm do người khiếm thị làm ra; tôn vinh 10 tấm gương người khiếm thị tiêu biểu; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao giữa người khiếm thị và sinh viên Thủ đô; tư vấn giới thiệu việc làm cho người khiếm thị; trao Kỷ niệm chương “Vì Hạnh phúc Người mù;” giao lưu cùng các nhạc sỹ khiếm thị…
Festival là ngày hội thể hiện sự quan tâm, sẻ chia của cộng đồng, xã hội với những người khiếm thị; xây dựng tình cảm, ý thức trách nhiệm của lớp trẻ với người khuyết tật.
Đây là động lực quan trọng giúp những người khiếm thị tiếp tục có thêm nghị lực, niềm tin để vươn lên trong cuộc sống, đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng và xã hội.
Bạn Trần Sơn Hải (giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia, Hội viên Hội nhạc sỹ Việt Nam) là một trong 10 tấm gương người khiếm thị tiêu biểu được vinh danh vì có nhiều đóng góp cho hoạt động của Hội Người mù thành phố Hà Nội.
Hải cho rằng, Festival Niềm tin và Ánh sáng là một chương trình thú vị, giúp người khiếm thị được khích lệ, giao lưu và học tập lẫn nhau.
Điều khó khăn nhất đối với những người khiếm thị là định hướng tìm một công việc và môi trường phù hợp với mình thì tại chương trình này, mọi người được chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm.
Điều quan trọng nhất hiện nay đối với người khiếm thị là phải có nghề nghiệp, ổn định thu nhập, nâng cao mức sống. Vì vậy, qua Festival, Hải mong muốn các cơ sở dạy nghề cũng như các trường đại học nên mở rộng cơ chế, tạo điều kiện cho người khiếm thị được học nghề, tạo việc làm ổn định.
Chủ tịch Hội người mù thành phố Hà Nội Lê Trung Quyết bày tỏ mong muốn thông qua Festival này, giúp nâng cao một bước về nhận thức của thanh niên, học sinh, sinh viên, những người tình nguyện nói riêng, cả xã hội nói chung về khả năng của người khiếm thị cũng như của người khuyết tật.
Trên cơ sở đó, tạo sự đồng cảm, đồng hành với những người khuyết tật, khiếm thị để họ từng bước hòa nhập vào cuộc sống, tự chăm lo cuộc sống của mình.
Ông Quyết muốn gửi thông điệp tới những người khiếm thị, khuyết tật nếu được hỗ trợ, giúp đỡ và tạo điều kiện, bản thân họ cần phải vươn lên làm chủ cuộc sống của mình.
Nhân dịp này, Thành đoàn Hà Nội với Hội Người mù thành phố Hà Nội cũng đã tổ chức ký kết chương trình phối hợp, nhằm tăng cường các hoạt động giao lưu, chia sẻ giữa đoàn viên thanh niên, sinh viên, học sinh với người khiếm thị; tôn vinh và khẳng định những đóng góp quan trọng của người khiếm thị đối với xã hội.
Các chương trình giúp nâng cao nhận thức của đoàn viên thanh niên, sinh viên và cộng đồng xã hội về người khiếm thị nói riêng, người khuyết tật nói chung, nhằm tạo nên sự đồng cảm và chung tay giúp sức của cộng đồng đối với người khuyết tật.
Theo ước tính, trên thế giới cứ 5 giây trôi qua lại có thêm một người bị mù và cứ một phút trôi qua lại có một đứa trẻ vĩnh viễn không nhìn thấy ánh sáng. Đó là điều không may mắn cho hàng triệu cá nhân và là thách thức đối với toàn xã hội.
Hà Nội hiện có 8.746 người khiếm thị, rất nhiều người trong số đó đã trở thành những tấm gương về nghị lực, vượt lên số phận, đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội.
Bên cạnh sự cố gắng của bản thân, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của cộng đồng xã hội, người khiếm thị vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong học tập, sinh hoạt, tìm kiếm việc làm, hôn nhân, hòa nhập cộng đồng, tạo dựng một cuộc sống ổn định; một bộ phận xã hội vẫn kì thị, thiếu sự chia sẻ với người khiếm thị nói riêng và người khuyết tật nói chung./.