Mưa lũ do hoàn lưu của cơn bão số 3 khiến gần 100 ha bưởi của các thôn Khả Lĩnh, Minh Thân, Cầu Mơ thuộc xã Đại Minh, huyện Yên Bình (Yên Bái) bị ảnh hưởng nặng nề do bị ngập trong nước.
Nhiều diện tích cây bưởi chuẩn bị thu hoạch giờ đây đã mất trắng.
Trưa ngày 21/9, theo chân anh Đỗ Đức Thành, Phó giám đốc Trung tâm Truyền thông văn hóa huyện Yên Bình (Yên Bái), phóng viên Thông tấn xã Việt Nam mới được tận mắt chứng kiến những thiệt hại mà người nông dân trồng bưởi ở xã Đại Minh gánh chịu sau đợt lũ xảy ra vừa qua.
Anh Thành chia sẻ đây là lần thứ 5 sau cơn lũ anh quay lại với người dân trồng bưởi xã Đại Minh, nhưng anh vẫn không khỏi xót xa trước những thiệt hại mà bà con vùng bưởi nơi đây.
Trận mưa lũ vừa qua, khiến hơn 100 gốc bưởi của gia đình bà Phạm Thị Yên, thôn Minh Thân, huyện Yên Bình đã ngập chìm trong nước. Sau khi nước rút, bưởi có dấu hiệu cháy lá, rụng quả và bị chết khô... Trông chờ vào số tiền 120 triệu đồng mà gia đình có thể thu hoạch được từ vụ bưởi năm nay, giờ đã bị mất trắng. Việc khôi phục lại diện tích bưởi bị mất do bão lũ dường như quá sức đối với gia đình.
Gạt vội những giọt nước mắt, bà Yên bộc bạch "Toàn bộ vườn bưởi hơn 100 cây của gia đình đã mất trắng. Chồng tôi bị ung thư giai đoạn 4, hiện đang điều trị ở bệnh viện K dưới Hà Nội. Gia đình không biết phải sống thế nào trong những ngày tới nữa."
Cũng ở xã Đại Minh, ông Tạ Minh Tân, thôn Khả Lĩnh cho biết gia đình có 470 gốc bưởi là thu nhập chính. Bình quân mỗi năm thu hoạch gần 500 triệu đồng. Tuy nhiên, sau gần 1 tuần, 350 gốc bưởi của gia đình ông bị ngâm trong nước lũ, 250 gốc trong số đó đã bị quả rụng, nhiều cây bị rụng lá, thối rễ và sẽ chết khó có thể khắc phục.
Cùng chung hoàn cảnh, ông Nguyễn Văn Tá, thôn Minh Thân, xã Đại Minh xót xa khi toàn bộ 230 gốc bưởi sắp cho thu hoạch của gia đình đã bị ngập chìm trong nước.
"Tôi đang cố gắng cứu diện tích bưởi còn lại, nhưng rất mong manh. Giờ thì gia đình không còn nguồn thu từ cây bưởi nữa rồi" ông Tá nói.
Bưởi Đại Minh là giống bưởi quý được phát hiện cách nay trên 300 năm, hiện vẫn còn nhiều cây bưởi cổ có độ tuổi trên 100 tuổi, được mệnh danh là "bưởi tiến vua." Bưởi Đại Minh cho thu hoạch từ tháng 10 đến khoảng tháng 1 Âm lịch năm sau; giá bán từ 15.000-25.000 đồng/quả, tùy vào chất lượng. Mỗi năm, bưởi Đại Minh ước tính sản lượng khoảng 53.000 tấn, cho tổng thu nhập trên 60 tỷ đồng.
Ông Lã Tuấn Hưng, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Yên Bình, cho biết huyện có trên 1.000 ha bưởi, tập trung chủ yếu ở 2 xã Đại Minh, Hán Đà. Đây là cây trồng chủ lực của huyện. Hiện chính quyền địa phương đang phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại… từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp. Đối với diện tích có thể cứu được thì áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc để cây nhanh chóng phục hồi. Đối với diện tích cây bị chết cần phải chặt bỏ sẽ nghiên cứu chuyển sang các loại cây trồng khác.
Ông Nguyễn Kiều Hưng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đại Minh cho rằng, việc trồng thay thế diện tích cây bị chết cũng mất nhiều chi phí, công sức và ít nhất 5 năm nữa mới có thể cho lứa quả đầu tiên.
Do đó, người dân đất bưởi Đại Minh mong Nhà nước sớm ban hành các chính sách hỗ trợ khôi phục lại diện tích cây nông nghiệp theo hướng hỗ trợ đặc thù như vùng dâu tằm của huyện Trấn Yên, trong đó có cây bưởi nhằm chia sẻ khó khăn với những hộ dân bị thiệt hại, sớm khôi phục lại sản xuất, ổn định đời sống nhân dân./.
Yên Bái đảm bảo lương thực, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp sau bão, lũ
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp nêu rõ tỉnh Yên Bái nên rà soát cụ thể chi tiết hơn phân loại các đối tượng bị ảnh hưởng, có báo cáo sớm để Bộ tổng hợp trình Chính phủ và có sự hỗ trợ thiết thực.