Gần 1 triệu thí sinh trên cả nước bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT

Gần 1 triệu thí sinh trên cả nước bước vào thi tốt nghiệp THPT đợt 1

Kỳ thi diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 xuất hiện tại hơn 50 tỉnh, thành trên cả nước và diễn biến phức tạp với hơn 1.000 ca nhiễm mới mỗi ngày.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông tại Hà Nội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Sáng nay, 7/7, gần một triệu thí sinh trên cả nước bắt đầu làm bài thi môn đầu tiên, môn Ngữ văn, Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2021, một kỳ thi đặc biệt khi dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở hàng chục tỉnh, thành trên cả nước.

Thách thức lớn

Đây là năm thứ hai Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19, cũng là năm thứ hai Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tổ chức kỳ thi thành hai đợt. Đợt một cho các thí sinh không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và đợt hai cho các thí sinh thuộc diện có F, thí sinh bị cách ly, phong tỏa không thể dự thi đợt một. Năm thứ hai, nhiệm vụ của kỳ thi là phải đạt cho được mục tiêu kép: Vừa an toàn trong phòng chống dịch, vừa đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, công bằng, đúng quy chế.

Kỳ thi năm 2020 là kinh nghiệm thực tế để ngành giáo dục tổ chức tốt hơn nữa kỳ thi năm nay. Tuy nhiên, nếu năm 2020 là thách thức của lần đầu tiên tổ chức thi trong bối cảnh có dịch thì năm nay, thách thức lớn hơn khi tình hình dịch đã phức tạp hơn nhiều lần.

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, thời điểm thí sinh làm thủ tục dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông đợt một kỳ thi năm 2020 (ngày 8/8/2020), cả nước ghi nhận 810 ca nhiễm COVID-19, trong đó gần một nửa là số ca nhập cảnh. Số ca nhiễm mới trong ngày trên cả nước là 26 ca, ghi nhận tại 15 tỉnh thành, với hai tâm dịch lớn nhất là Đà Nẵng và Quảng Nam.

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra công tác phòng chống dịch của các điểm thi. (Ảnh: PV)

Năm nay, khi thí sinh bắt đầu kỳ thi, ngày 6/7, số ca nhiễm bệnh mới mỗi ngày đã ở mức bốn con số, lên tới 1.029 ca. Dịch bệnh xuất hiện tại hơn 50 tỉnh, thành với nhiều ổ dịch phức tạp, trải dài khắp cả nước. Số ca mắc tại một số địa phương lên đến hàng trăm ca mỗi ngày.

Với số ca nhiễm mới lớn, bản đồ dịch tễ thay đổi từng ngày, thậm chí từng giờ. Công tác tổ chức thi vì thế cũng liên tục biến động khi bất cứ lúc nào cũng có thể ghi nhận mới các trường hợp cán bộ làm thi hoặc thí sinh là F1, F2, thậm chí F0, đòi hỏi sự chuẩn bị chu đáo, ứng phó nhanh chóng. Ngay trong ngày làm thủ tục dự thi, tỉnh Vĩnh Long phát hiện một phó ban chỉ đạo thi của tỉnh nhiễm COVID-19, Hà Nội có một cán bộ coi thi là F1. Nhiều địa phương bị buộc thực hiện giãn cách khiến số thí sinh không thể dự thi tăng lên mỗi ngày. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến chiều ngày 5/7, số thí sinh không thể dự thi vì dịch bệnh là trên 11.500 em, nhưng đến chiều ngày 6/7, con số này đã là gần 14.400 em.

Đảm bảo mục tiêu kép

Với tình hình diễn biến dịch phức tạp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh yêu cầu cao nhất trong công tác tổ chức thi là phải đảm bảo an toàn về sức khỏe cho thí sinh và cán bộ coi thi. Vì thế, kỳ thi chỉ được tổ chức ở những nơi địa phương có thể đảm bảo diễn ra an toàn. Những nơi tổ chức thi phải đảm bảo cho được mục tiêu kép là vừa an toàn phòng chống dịch, vừa đảm bảo kỳ thi nghiêm túc.

Các điểm thi được phun khử khuẩn trước mỗi buổi thi. (Ảnh: TTXVN)

Sau 18 tháng chống chọi với dịch bệnh, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, công tác phòng chống dịch của các địa phương đã được tăng cường, ý thức phòng chống dịch của người dân tăng lên.

Ngay khi dịch bùng phát trở lại, các địa phương đã khuyến cáo thí sinh và người nhà hạn chế ra khỏi địa phương, hạn chế tiếp xúc đông người nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, bảo đảm sức khỏe để tham dự kỳ thi. Trước kỳ thi, nhiều địa phương đã thực hiện xét nghiệm COVID-19 thần tốc cho tất cả thí sinh, ưu tiên tiêm vaccine phòng dịch cho cán bộ làm công tác thi. Tại mỗi điểm thi đều có sự phối hợp chặt chẽ của lực lượng giáo dục, y tế, công an, với trang thiết bị y tế, phòng cách ly, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống bất thường như thí sinh thân nhiệt cao, thí sinh bị phát hiện là F1, F2.

[Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Đảm bảo kỳ thi THPT an toàn, nghiêm túc, nhân văn]

Sự chuẩn bị chu đáo đã giúp các địa phương tự tin trong tổ chức thi. Dù tình hình dịch đang diễn biến phức tạp ở hầu hết các tỉnh trên cả nước nhưng tất cả 63 tỉnh, thành đều đề nghị được tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đợt một. Một số địa phương như Đà Nẵng, Ninh Bình thậm chí tổ chức thi đợt một cho cả các thí sinh thuộc diện F1, F2, với kế hoạch phòng dịch chu đáo, bài bản. Với sự chuẩn bị chu đáo đó, các tình huống phát sinh được xử lý nhanh chóng, kịp thời. Hà Nội sẵn sàng thay thế toàn bộ lực lượng làm công tác thi của cả điểm thi Trường Trung học phổ thông Ứng Hòa A khi một giám thị là F1. Vĩnh Long lập tức rà soát và kiện toàn nhân sự khi phó ban chỉ đạo thi của tỉnh bị phát hiện dương tính...

“Với tinh thần phòng dịch quyết liệt và sự chuẩn bị kỹ càng của các địa phương, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp song các em học sinh và những cán bộ làm thi có thể yên tâm để bước vào kỳ thi quan trọng này,” Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia của kỳ thi nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục