Phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn số liệu của Cơ quan Thuế quốc gia Hàn Quốc (NTS) cho thấy gần 1 triệu cá nhân và công ty tại Hàn Quốc đã phải đóng cửa doanh nghiệp trong năm 2023, với nguyên nhân phổ biến nhất là thu nhập kém.
Theo các chuyên gia, dữ liệu mới nhất phản ánh cuộc khủng hoảng ngày càng sâu sắc đối với các chủ doanh nghiệp nhỏ và người tự kinh doanh.
Điều này trầm trọng hơn do tác động liên tục của lãi suất cao và nhu cầu trong nước yếu.
NTS cho biết số lượng doanh nghiệp đóng cửa được báo cáo đã tăng lên 986.487 vào năm 2023 từ 867.292 trường hợp vào năm 2022.
Dữ liệu mới nhất cho thấy số lượng doanh nghiệp đóng cửa đã ở mức cao nhất kể từ khi Chính phủ Hàn Quốc bắt đầu theo dõi số liệu như vậy vào năm 2006.
Trong đại dịch COVID-19 từ năm 2020-2022, số lượng doanh nghiệp đóng cửa vẫn ở mức khoảng 800.000, nhưng đã tăng đột biến vào năm 2023.
Trong số 986.487 vụ đóng cửa được báo cáo, 482.183 vụ là do kinh doanh trì trệ, con số lớn thứ hai kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và tăng đáng kể so với 406.225 vụ đóng cửa trong năm 2022.
451.203 doanh nghiệp khác không tiết lộ lý do cụ thể cho việc đóng cửa của họ, trong khi 40.369 doanh nghiệp nêu lý do chuyển nhượng và mua lại doanh nghiệp.
Xét theo ngành, các doanh nghiệp bán lẻ chứng kiến số lượng đóng cửa cao nhất với 276.535 trường hợp, tiếp theo là ngành dịch vụ với 217.821 trường hợp và nhà hàng với 158.279 trường hợp. Mỗi ngành này đều chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ nhu cầu trong nước.
Do thị trường bất động sản suy thoái vào năm 2023, phân khúc cho thuê và xây dựng cũng bị ảnh hưởng, với lần lượt 94.330 và 48.608 doanh nghiệp nộp đơn xin đóng cửa.
Trong khi đó, dữ liệu của Cục Thống kê Hàn Quốc cho thấy số lượng cá nhân tự kinh doanh trước đây bị mất việc làm sau khi đóng cửa doanh nghiệp đã tăng hơn 20% trong năm qua.
Dữ liệu cho thấy số người thất nghiệp trung bình hằng tháng là 918.000 người trong nửa đầu năm nay, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong số những người thất nghiệp, 26.000 cá nhân là những người lao động tự do trước đây, đánh dấu mức tăng 23,1% so với năm trước đó.
Sự gia tăng này phản ánh việc họ không được tái tuyển dụng mặc dù đã nỗ lực đảm bảo việc làm mới sau khi đóng cửa doanh nghiệp.
Số lượng cá nhân tự kinh doanh không còn hoạt động kinh tế đã tăng lên mức trung bình 268.000 người mỗi tháng, tăng 6% so với năm 2023.
Những người không hoạt động kinh tế được định nghĩa là những người trên 15 tuổi, không có việc làm hoặc không cố gắng tìm việc làm.
Nhu cầu trong nước yếu dự kiến sẽ khiến nhiều ngành kinh doanh nhà hàng, lưu trú, bán buôn và bán lẻ phải đóng cửa trong thời điểm hiện tại.
Trong báo cáo hằng tháng công bố ngày 8/7, Viện Phát triển Hàn Quốc do nhà nước điều hành cho biết: “Mặc dù xuất khẩu tăng trưởng cao, nhu cầu trong nước của Hàn Quốc vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, dẫn đến sự cải thiện khá chậm chạp về điều kiện kinh tế nói chung.”
Mặt khác, trong Sách Xanh báo cáo đánh giá kinh tế hằng tháng được công bố ngày 12/7, Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc cho biết nhu cầu trong nước đang có dấu hiệu phục hồi.
Ông Kim Gwang Seok - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế tại Viện Kinh tế và Công nghiệp Hàn Quốc - đánh giá: "Có khả năng nhu cầu trong nước sẽ phục hồi vào nửa cuối năm nay, vì giá cả dường như đang ổn định và lãi suất chủ chốt có thể giảm xuống."
Tuy nhiên, theo ông Kim, rất có khả năng nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ và người tự kinh doanh ở Hàn Quốc sẽ tiếp tục đóng cửa doanh nghiệp của họ, vì doanh số bán hàng sẽ không phục hồi ngay lập tức, đủ để giải quyết gánh nặng nợ nần của họ./.
KDI: Nhu cầu nội địa yếu - lực cản đối với kinh tế Hàn Quốc
Nhu cầu nội địa của Hàn Quốc vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi mặc dù xuất khẩu tăng trưởng cao. Điều này đang kiềm chế sự cải thiện của các điều kiện kinh tế tổng thể.