Chương trình truyền hình thực tế đầu tiên làm cầu nối giữa nhà tuyển dụng và người lao động “Cơ hội cho ai (Whose Chance?)” sẽ trở lại trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam từ ngày 7/11.
Nhờ ý nghĩa thiết thực đối với cộng đồng, chương trình đã được vinh danh và trao Kỷ lục Việt Nam là “Chương trình đầu tiên và duy nhất trên truyền hình mang lại việc làm và công khai mức lương cho người lao động” vào ngày 4/11 tại Hà Nội.
Tổng đạo diễn chương trình Cao Thế Anh cho biết ba tiêu chí: Phỏng vấn thật, thương lượng thật, việc làm thật đã giúp chương trình khẳng định vị trí và ghi dấu ấn trong lòng khán giả.
Trong mùa 1, chương trình đã mang lại việc làm với vị trí tốt, đãi ngộ xứng đáng cho 19 ứng viên tại 8 tập đoàn, doanh nghiệp với đa dạng độ tuổi, nghề nghiệp, khu vực địa lý khác nhau; trong đó mức lương cao nhất dành cho người lao động là 45 triệu đồng/tháng.
Chương trình như một “sàn giao dịch việc làm minh bạch,” nơi mà trình độ, kinh nghiệm, năng lực của người lao động và các mức lương, chế độ đãi ngộ của doanh nghiệp được mang ra thương lượng một cách công khai trên sóng truyền hình quốc gia.
Bên cạnh yếu tố thiết thực vì mang đến cơ hội việc làm cho hàng trăm ứng viên đến từ khắp nơi trên mọi miền đất nước, chương trình còn mang lại những kiến thức bổ ích cho người xem, cho người lao động; giúp họ học hỏi được nhiều kỹ năng mềm khi theo dõi các ứng viên trả lời phỏng vấn, vượt qua thử thách khó của các sếp, phần thương lượng, chốt lương trong chương trình và đặc biệt là những chia sẻ, lời khuyên từ các vị sếp, người sử dụng lao động.
Ông Cao Thế Anh tiết lộ mùa 2 năm nay có nhiều yếu tố hấp dẫn hơn so với mùa 1, từ thiết kế sân khấu ấn tượng hơn, hình ảnh hiện đại hơn đến sự cải tiến về nội dung.
Ban tổ chức sẽ lựa chọn hai ứng viên có trình độ chuyên môn, tuổi tác hoặc ngành nghề có sự tương đồng để đối đầu với nhau.
Chương trình sẽ đưa ra câu hỏi hoặc tình huống mở gắn với các chủ đề trong cuộc sống, trong công việc, những vấn đề mà xã hội quan tâm, khi đó hai ứng viên cùng tham gia sẽ thể hiện khả năng tư duy phản biện thông qua hình thức tranh luận, chất vấn.
Mỗi ứng viên sẽ trình bày quan điểm của mình theo chủ đề chương trình đưa ra, tranh luận và chất vấn với nhau dựa trên kiến thức chuyên môn, trải nghiệm cuộc sống. Kết thúc phần tranh luận, các nhà tuyển dụng sẽ chọn ra một ứng viên đi tiếp vào vòng trong, nơi ứng viên và các sếp trực tiếp thương thảo mức lương kỳ vọng và cơ hội nghề nghiệp.
“Nếu mức lương cao nhất trong mùa 1 là hơn 45 triệu đồng/tháng, thì mùa 2 sẽ có ứng viên thương lượng được mức lương còn cao hơn nhiều. Độ tuổi của người chơi năm nay cũng rất đa dạng, có những em đang là sinh viên, có những người thuộc thế hệ 7X, 6X, cũng tự tin đi tìm cho mình một cơ hội nghề nghiệp mới.
Ứng viên lớn tuổi nhất là 52 tuổi. Khán giả truyền hình sẽ nhận thấy có rất nhiều câu chuyện thú vị xung quanh ước mơ, tham vọng và hành trình thay đổi bản thân của các ứng viên,” ông Cao Thế Anh cho biết.
Đánh giá về việc sự trở lại của chương trình, tiến sỹ Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cố vấn chương trình, cho biết: Trong bối cảnh toàn cầu bị ảnh hưởng bởi COVID-19, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp của Việt Nam bị ảnh hưởng; doanh thu, lợi nhuận sụt giảm, phải cắt giảm lao động. Nhiều người lao động bị mất việc làm, giảm thu nhập, nên việc tổ chức sản xuất một chương trình truyền hình mang lại việc làm là rất cần thiết nhưng cũng sẽ gặp nhiều khó khăn.
“Tôi đánh giá cao tinh thần truyền cảm hứng và mang lại năng lượng tích cực cho khán giả, cho người lao động và cả doanh nghiệp. Tôi tin rằng chương trình năm nay sẽ nhận được sự quan tâm của cả xã hội và cộng đồng bởi đây thực sự là một chương trình có ý nghĩa xã hội cao, là chương trình truyền hình thực tế số 1 về việc làm hiện nay,” ông Lộc nói./.