Trong bối cảnh Washington đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm siết chặt hơn nữa các "gọng kìm" kinh tế đối với Huawei, tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc này lại đang tăng cường các hoạt động mở rộng ở trong nước.
Những hoạt động điển hình trong đó phải kể đến việc mở rộng khu "đại bản doanh" có kiến trúc mô phỏng châu Âu và trường Đại học Huawei, nơi đào tạo bộ máy nhân viên của Huawei trên toàn cầu.
Lâu nay Mỹ luôn coi Huawei là mối đe dọa về an ninh. Gần đây nhất, việc Washington ban hành lệnh cấm cung cấp chip cho Huawei nếu công nghệ Mỹ được sử dụng trong quy trình sản xuất đã khiến các quan chức và nhân viên của tập đoàn này cảm thấy lo ngại.
Tuy nhiên, những động thái gần đây của "gã khổng lồ" Trung Quốc đã khiến nhiều người nghi ngờ rằng liệu những nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn đà phát triển của Huawei có thật sự hiệu quả?
Có thể thấy, bất chấp chiến dịch "gọng kìm" đến nay đã kéo dài 18 tháng của Washington, cùng với những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, bộ máy nhân sự cùng tham vọng của Huawei vẫn đang lớn dần lên.
[Giới phân tích: Huawei sẽ mất lợi thế nếu không có chip riêng]
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc trường Đại học Huawei Ryan Liu cho rằng áp lực mới của Mỹ đương nhiên sẽ tạo ra một số lo ngại liên quan đến chuỗi cung ứng thế giới và đe dọa "sự sống còn" của Huawei. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này tin rằng các chính sách sẽ đưa tập đoàn đi đúng hướng.
Cũng theo Phó Giám đốc Liu, sự gián đoạn về nguồn cung chất bán dẫn sẽ tạo động lực để đơn vị sản xuất chip của Huawei là HiSilicon phát triển nguồn cung của riêng mình.
Nhà lãnh đạo này nói: "Thách thức sẽ tạo ra cảm giác về khủng hoảng cấp tính hơn, nhưng câu trả lời của chúng tôi là làm công việc của mình và tự tin rằng những nỗ lực chăm chỉ sẽ được đền đáp."
Trong khi đó, Chủ tịch hiện tại của Huawei là ông Guo Ping cho rằng Mỹ đang bị ám ảnh bởi nỗi sợ sẽ đánh mất lợi thế về công nghệ vào tay các công ty Trung Quốc và khẳng định mối đe dọa của Washington chỉ làm Huawei trở nên mạnh mẽ hơn, bởi việc Washington hạn chế quyền truy cập của Huawei đối với các dịch vụ của Google sẽ tạo cơ hội để tập đoàn này đẩy nhanh tiến độ sản xuất hệ điều hành HarmonyOS độc quyền.
Trong khi đó về phía Mỹ, một số câu hỏi đã được đặt ra liên quan đến việc liệu những quyết định của Washington có nhận được sự ủng hộ từ phía các nhà sản xuất chip của chính nền kinh tế lớn nhất thế giới và các quốc gia khác - những đối tượng sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ lệnh cấm - hay không? Ngoài ra, lịch sử cũng cho thấy Washington đã nhiều lần "mở đường" cho việc thu hồi lệnh trừng phạt đối với Huawei trước đó.
Đồng quan điểm này, chuyên gia phân tích Kelsey Broderick của tập đoàn tư vấn Eurasia Group nhận định: "Người ta đặt ra nghi vấn về tính nghiêm ngặt của phán quyết này trong việc thực thi." Giữa bối cảnh đó, Huawei - với sự hiện diện thống trị tại Thâm Quyến - vẫn đưa ra dự báo về một triển vọng kinh doanh bình thường.
Bắt đầu từ cuối năm 2018 kể từ khi Washington chọn Huawei làm "con tốt thí" trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, số lượng nhân viên toàn cầu của tập đoàn này đã tăng từ 180.000 người lên 194.000 người. Năm 2019, tập đoàn này cũng ghi nhận hoạt động kinh doanh toàn cầu tăng trưởng 19%.
Một trong những hoạt động gây chú ý gần đây là việc mở rộng khu phức hợp chứa 25.000 nhân viên với cái tên "làng châu Âu" của Huawei. Khu phức hợp này có diện tích trải dài quanh hồ, được liên kết bởi các đoàn tàu cam đỏ chạy dọc qua các ga "Paris," "Bologna" và "Heidelberg" - mỗi ga đều có khu quảng trường và kiến trúc gợi lại hình ảnh những thành phố đó. Trong khi đó, trường Đại học Huawei cũng dự kiến sẽ chuyển sang một cơ sở mới, có diện tích lớn hơn theo phong cách châu Âu vào tháng Tám này.
Trường Đại học Huawei đã đóng cửa 40 phòng học sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào cuối tháng Một. Sau một thời gian chuyển sang các khóa học trực tuyến cho nhân viên ở Trung Quốc, châu Phi, châu Âu và các nơi khác, các lớp học được mở cửa trở lại vào tháng 5/2020./.