G77 và Trung Quốc yêu cầu chấm dứt các biện pháp trừng phạt đơn phương

Liên minh các quốc gia đang phát triển cho biết việc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đơn phương sẽ gây tác động tiêu cực đến khả năng của các nước trong việc ứng phó với dịch COVID-19.
Người dân đeo khẩu trang nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Tehran, Iran ngày 10/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhóm các nước đang phát triển (G77) và Trung Quốc ngày 3/4 kêu gọi ngừng các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với các quốc gia đang phát triển trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hiện nay, cảnh báo những biện pháp này có thể cản trở những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh.

Trong tuyên bố cùng ngày, liên minh các quốc gia đang phát triển trên cho biết việc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đơn phương sẽ gây tác động tiêu cực đến khả năng của các nước trong việc ứng phó hiệu quả với dịch bệnh.

G77 cảnh báo rằng các biện pháp như vậy sẽ ảnh hưởng đến tiến trình của các nước trong việc nhận được các nguồn cung trang thiết bị y tế để điều trị cho người dân trong đại dịch COVID-19 hiện nay.

[Ứng cử viên Tổng thống Mỹ kêu gọi giảm trừng phạt Iran vì COVID-19]

Tuyên bố nêu rõ: "Vì vậy, chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế thông qua các biện pháp hiệu quả và ngay lập tức để chấm dứt việc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đơn phương đối với các nước đang phát triển."

Kể từ đầu năm nay, Mỹ đã bác bỏ bất kỳ yêu cầu nào liên quan đến việc ngừng chính sách cấm vận vấn đang tác động nghiêm trọng đến một số nước đang bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, như Iran.

Trong một số trường hợp, các biện pháp trừng phạt thậm chí còn bị thắt chặt hơn.

Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) cho rằng bất kỳ biện pháp cấm vận nào cản trở nỗ lực chống dịch của một nước, dễ dàng có thể được xem xét miễn áp đặt.

Tuy nhiên, thông báo ngày 3/4 của EU chỉ nhằm vào các biện pháp đơn phương, chứ không đề cập đến các biện pháp trừng phạt quốc tế mà Liên hợp quốc đang áp đặt với các nước, như Triều Tiên.

G77 là nhóm các quốc gia đang phát triển trong Liên hợp quốc liên kết nhằm thúc đẩy lợi ích chính trị và kinh tế chung của các nước thành viên. Nhóm này chiếm tới gần 80% dân số thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục