G7 tăng cường hợp tác tư pháp với các nước thành viên ASEAN

Hội nghị Giao lưu Bộ trưởng Tư pháp ASEAN-G7 tập hợp các bộ trưởng luật pháp và tư pháp từ ASEAN và G7, trong đó Nhật Bản đóng vai trò là “cầu nối,” góp phần duy trì và thúc đẩy trật tự quốc tế.
G7 tăng cường hợp tác tư pháp với các nước thành viên ASEAN ảnh 1Các Bộ trưởng Tư pháp ASEAN và G7 chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Đức Thịnh/TTXVN)

Ngày 7/7, hội nghị Giao lưu Bộ trưởng Tư pháp ASEAN và Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã diễn ra tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản.

Sự kiện do Nhật Bản tổ chức, diễn ra sau Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp đặc biệt ASEAN-Nhật Bản một ngày, với mục đích tăng cường quan hệ giữa ASEAN và G7 trong lĩnh vực luật pháp và tư pháp.

Đây là cuộc họp chung đầu tiên của các Bộ trưởng Tư pháp ASEAN và các nước G7 để thúc đẩy hợp tác pháp quyền nhằm củng cố trật tự khu vực và quốc tế.

Hội nghị Giao lưu Bộ trưởng Tư pháp ASEAN-G7 đã tập hợp các Bộ trưởng Luật pháp và Tư pháp từ ASEAN và G7, trong đó Nhật Bản đóng vai trò là “cầu nối,” góp phần duy trì và thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên quy định của pháp luật.

[Hội nghị Thượng đỉnh G7 thảo luận một loạt vấn đề nóng toàn cầu]

Hội nghị được coi là cơ hội để Nhật Bản thúc đẩy mục tiêu tăng cường hợp tác hơn nữa giữa ASEAN và G7, dựa trên các giá trị nền tảng chung trong lĩnh vực luật pháp và tư pháp.

Tại cuộc họp, các Bộ trưởng Tư pháp của ASEAN và G7 đã nhất trí về tầm quan trọng của luật pháp và trật tự quốc tế.

G7 tăng cường hợp tác tư pháp với các nước thành viên ASEAN ảnh 2Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam Lê Thành Long tham dự Hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/TTXVN)

Bên cạnh đó, các quốc gia cũng đang tìm cách hợp tác trong việc trao đổi và đào tạo nhân viên pháp lý như thẩm phán và công chức.

Nhật Bản, nước chủ nhà đồng thời là chủ tịch đương nhiệm G7, có thành tích hỗ trợ phát triển hệ thống pháp luật tại hơn 10 quốc gia, chủ yếu ở Đông Nam Á, kể từ năm 1994.

Thay vì cố gắng đưa ra các bản sao của luật pháp Nhật Bản, Tokyo cử các công tố viên và thẩm phán ở lại một quốc gia trong vài năm để hỗ trợ việc xây dựng các luật phù hợp với thông lệ của mỗi quốc gia.

Tính đến tháng 3 năm nay, có 6.300 người đã tốt nghiệp từ một học viện đào tạo của Liên hợp quốc tại Tokyo do Bộ Tư pháp Nhật Bản điều hành.

Học viện này nhằm mục đích thúc đẩy sự phát triển của các hệ thống tư pháp hình sự ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Phát biểu bế mạc cuộc họp, Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản Ken Saito cho biết các đại biểu tham dự đã bày tỏ sự ủng hộ đối với sáng kiến của Nhật Bản về việc thành lập một diễn đàn mới, dự kiến quy tụ các quan chức chính phủ trẻ từ các quốc gia G7 và khu vực ASEAN gồm 10 thành viên.

Trước đó, ngày 6/7, Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp Đặc biệt ASEAN-Nhật Bản ra tuyên bố chung khẳng định sẽ duy trì và thúc đẩy các giá trị chung và các nguyên tắc cơ bản như pháp quyền, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục