G7 hỗ trợ 600 tỷ USD xây cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu

Các nhà lãnh đạo G7 cam kết hỗ trợ 600 tỷ USD để giúp các quốc gia có thu nhập thấp xây dựng “cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu.”
G7 hỗ trợ 600 tỷ USD xây cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu ảnh 1Các đại biểu chụp ảnh chung tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở lâu đài Elmau thuộc bang Bayern của Đức, ngày 26/6. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Đức đã cam kết hỗ trợ 600 tỷ USD để giúp các quốc gia có thu nhập thấp xây dựng “cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu.”

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đối phó với biến đổi khí hậu trên toàn thế giới là sáng kiến đầu tiên của các nhà lãnh đạo G7 tại hội nghị diễn ra ở khu nghỉ dưỡng Elmau, bang Bavaria (Bayern) của Đức.

Phát biểu sau khi công bố dự án trị giá 600 tỷ USD (khoảng 568 tỷ euro) này, Tổng thống Mỹ Joe Biden nêu rõ đây là khoản đầu tư sẽ mang lại lợi ích cho người dân các nước, đồng thời thúc đẩy tất cả các nền kinh tế phát triển.

Quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng mới của G7 sẽ tập trung vào các sáng kiến về khí hậu, trong đó có dự án đầu tư trang trại năng lượng Mặt Trời trị giá 2 tỷ USD ở Angola, chi 320 triệu USD để xây dựng bệnh viện ở Côte d'Ivoire và 40 triệu USD thúc đẩy thương mại năng lượng khu vực ở Đông Nam Á.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết các nước G7 đang cung cấp “cơ sở hạ tầng bền vững, chất lượng” và sẽ lắng nghe phản hồi của các nước tiếp nhận.

[Hàng trăm người tuần hành vì khí hậu nhân Hội nghị thượng đỉnh G7]

Tại cuộc họp báo sau ngày làm việc đầu tiên, Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) Charles Michel cho biết EU hoan nghênh đề xuất của Đức về “câu lạc bộ khí hậu,” nhấn mạnh sự cần thiết phải đa dạng hóa các nguồn năng lượng và thúc đẩy cơ sở hạ tầng cho năng lượng tái tạo.

Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết cuộc khủng hoảng an ninh lương thực, một phần bằng cách vận chuyển lương thực, thực phẩm của Ukraine ra thị trường toàn cầu cũng như hỗ trợ các đối tác của EU bị ảnh hưởng nặng nề do thiếu lương thực.

Về phần mình, Thủ tướng nước chủ nhà Olaf Scholz bày tỏ sự lạc quan dù những thách thức toàn cầu ngày càng trầm trọng hơn.

Nhà lãnh đạo Đức khẳng định: “Tốc độ tăng trưởng đang giảm ở một số quốc gia, lạm phát gia tăng, thiếu hụt nguyên liệu thô và sự gián đoạn của chuỗi cung ứng. Đây đều là những thách thức không nhỏ mà chúng ta đang phải đối mặt... nhưng tôi rất, rất tin tưởng rằng chúng ta sẽ thành công trong việc phát đi một tín hiệu rất rõ ràng về sự thống nhất và hành động quyết đoán của hội nghị thượng đỉnh lần này.”

Ông nói: “Việc thúc đẩy cơ sở hạ tầng trên toàn cầu cũng bị ảnh hưởng do tình hình địa chính trị hiện nay. Do đó, chúng tôi đã thảo luận về cách thức đầu tư trên toàn cầu vào năng lượng carbon thấp và trung hòa khí thải.”

Theo kế hoạch, ngoài cuộc xung đột Nga-Ukraine chiếm phần lớn thời gian hội nghị, Thủ tướng Scholz và các nhà lãnh đạo G7 sẽ thảo luận về các đề xuất nhằm giải quyết tình trạng lạm phát, giá thực phẩm và giá dầu tăng mạnh trên toàn cầu..../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục