G7 dự kiến công bố sáng kiến làm 'đối trọng' với BRI của Trung Quốc

Một trong những quan chức cấp cao của Mỹ nói rằng sáng kiến đề xuất này sẽ không chỉ là một giải pháp thay thế cho BRI, mà nó còn “vượt trội” hơn vì đưa ra lựa chọn chất lượng cao hơn.
Lãnh đạo các nước dự Hội nghị thượng đỉnh G7 ở vịnh Carbis, Cornwall, Anh ngày 11/6/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Lãnh đạo các nước dự Hội nghị thượng đỉnh G7 ở vịnh Carbis, Cornwall, Anh ngày 11/6/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một quan chức cấp cao của Mỹ ngày 12/6 cho biết các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) dự kiến sẽ công bố một sáng kiến mới nhằm hỗ trợ tài chính cho cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển như là một giải pháp thay thế cho sáng kiến "Vành đai-Con đường" (BRI) của Trung Quốc.

Trong ngày hội đàm thứ hai, dự kiến sẽ có một thông báo về sáng kiến "Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn" khi các nhà lãnh đạo tiếp tục cuộc hội đàm ở Cornwall, miền tây nam nước Anh, trong đó sẽ bao gồm một phiên họp đặc biệt tập trung vào Trung Quốc, một cường quốc kinh tế mới nổi và là đối thủ chiến lược của Mỹ.

Ngày hội đàm đầu tiên, các nhà lãnh đạo G7 tập trung tìm cách hỗ trợ thế giới phục hồi sau đại dịch COVID-19 và khôi phục nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Mặc dù chi tiết về sáng kiến hỗ trợ tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng nêu trên chưa được tiết lộ, song một trong những quan chức cấp cao của Mỹ nói rằng sáng kiến đề xuất này sẽ không chỉ là một giải pháp thay thế cho BRI, mà nó còn “vượt trội” hơn vì đưa ra lựa chọn chất lượng cao hơn.

[G7 tìm kiếm giải pháp thay thế cho Sáng kiến Vành đai và Con đường]

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã giới thiệu BRI năm 2013 nhằm tăng sức ảnh hưởng của Bắc Kinh ở nước ngoài bằng cách cấp vốn và xây dựng nhiều dự án cơ sở hạ tầng trên khắp châu Á, châu Âu và châu Phi.

Tuy nhiên, sáng kiến này đã vấp phải sự chi trích vì càng làm gia tăng gánh nặng nợ cho các quốc gia nghèo.

Mặc dù chỉ trích BRI về sự thiếu minh bạch và các tiêu chuẩn lao động và môi trường kém, song cho tới nay, nhóm G7 chưa đưa ra phương án thay thế tích cực nào phản ánh giá trị, chuẩn mực và cách nhóm này triển khai hoạt động.

Nhà Trắng cho biết nhu cầu cơ sở hạ tầng, kỹ thuật số và y tế chất lượng cao là rất lớn. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), tổng nhu cầu cơ sở hạ tầng tại các nước đang phát triển lên tới 40.000 tỷ USD đến năm 2035.

Các nhà lãnh đạo của G7, gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ, cùng với Liên minh châu Âu, dự kiến sẽ kết thúc các cuộc thảo luận trong ngày 13/6, với việc công bố một thông cáo chung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục