Một nhóm tổ chức phi chính phủ (NGO) ngày 2/6 cho biết Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã không đầu tư đủ vào năng lượng "xanh" trong thời kỳ đại dịch COVID-19, thay vào đó là trợ cấp ồ ạt cho các ngành gây ô nhiễm.
Theo báo cáo của Tổ chức phi chính phủ Tearfund và Viện Phát triển Nước ngoài (ODI) của Vương quốc Anh và Viện Phát triển Bền vững Quốc tế (IISD) của Canada, các quốc gia đã đầu tư 189 tỷ USD (133 tỷ bảng Anh) vào nhiên liệu hóa thạch như dầu, khí đốt và than đá từ tháng 1/2020 đến tháng 3/2021, so với mức 147 tỷ USD vào các dạng năng lượng sạch.
Trong một thông báo, các tổ chức phi chính phủ cho hay, hơn 8 USD trên mỗi 10 USD đầu tư vào nhiên liệu gây ô nhiễm môi trường trong thời gian đại dịch không có yêu cầu giảm thiểu mức độ biến đổi khí hậu môi trường.
Đặc biệt, các gói cứu trợ của chính phủ đã mang lại lợi ích cho các hãng hàng không hoặc sân bay mà có nguy cơ phá sản do tác động của đại dịch COVID-1.
Báo cáo này nhấn mạnh khoảng cách giữa tham vọng "xanh" của Chính phủ Anh và chi tiêu thực tế trước hội nghị thượng đỉnh G7 mà Anh sẽ tổ chức vào tuần tới.
Anh là nước có thành tích kém nhất trong G7 về phương diện trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch, mặc dù chính phủ nước này đã cam kết ngừng tài trợ cho các dự án gây ô nhiễm ở nước ngoài và cấm ô tô chạy bằng xăng và dầu mới từ năm 2030.
G7 - gồm Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh và Mỹ - trong tháng 5/2021, đã cam kết sẽ chấm dứt hỗ trợ của chính phủ đối với các nhà máy nhiệt điện than trong năm nay.
Nhóm này cho biết sẽ thảo luận về các cách để khuyến khích sự phục hồi "xanh" từ đại dịch tại hội nghị thượng đỉnh ở khu vực phía tây nam của Cornwall.
[Anh thành lập sàn giao dịch khí thải carbon riêng hậu Brexit]
Paul Cook, trưởng bộ phận vận động của Tearfund cho biết, các lựa chọn hiện nay do các nước G7 đưa ra sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi hướng tới một tương lai an toàn với khí hậu cho tất cả mọi người hoặc gây nguy hiểm cho các nỗ lực giải quyết khủng hoảng khí hậu cho đến nay.
Ông nói thêm rằng các quốc gia “xếp hạng trong số các quốc gia ô nhiễm nhất trên thế giới, chỉ chiếm 1/10 dân số toàn cầu, nhưng phát thải gần 1/4 lượng khí thải CO2 (carbon dioxide) trên toàn cầu”.
Các tổ chức phi chính phủ này chỉ ra rằng một số nước không thuộc G7 đã cải thiện đáng kể chính sách môi trường trong năm qua, bao gồm Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nam Phi./.