Ngày 28/6, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tổ chức tại lâu đài Elmau, miền Nam nước Đức, đã bế mạc sau ba ngày làm việc.
Hội nghị đã thông qua nhiều quyết định quan trọng liên quan tới cuộc xung đột ở Ukraine, vấn đề an ninh năng lượng và an ninh lương thực.
Phát biểu bế mạc hội nghị, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh các nước G7 cam kết tiếp tục hỗ trợ tài chính cho Ukraine cũng như có biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực trong bối cảnh nguồn cung bị tắc nghẽn.
Tuyên bố bế mạc hội nghị cho biết trong năm 2022, G7 đã hỗ trợ nhân đạo trị giá trên 2,8 tỷ USD cho Ukraine và sẵn sàng cung cấp bổ sung 29,5 tỷ USD cho ngân sách nước này.
G7 cam kết hỗ trợ công cuộc tái thiết ở Ukraine thông qua một hội nghị tái thiết quốc tế và một kế hoạch tái thiết quốc tế, trong đó Ukraine sẽ phối hợp chặt chẽ với các đối tác quốc tế để xây dựng và triển khai kế hoạch.
G7 nhấn mạnh cuộc xung đột ở Ukraine đã tác động nghiêm trọng tới sự phục hồi toàn cầu và dẫn đến sự suy giảm về an ninh năng lượng cũng như việc tiếp cận với nguồn thực phẩm.
G7 cam kết gia tăng sức ép và sẽ hành động một cách thống nhất nhằm giảm doanh thu của Nga, kể cả liên quan đến việc buôn bán vàng của Nga.
Các nhà lãnh đạo G7 cũng sẵn sàng góp phần ổn định và chuyển đổi nền kinh tế thế giới, giải quyết tình trạng chi phí sinh hoạt tăng cao.
Ngoài ra, G7 cũng sẽ củng cố khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và đảm bảo các điều kiện cạnh tranh.
Trong vấn đề năng lượng, G7 cam kết nhanh chóng hành động để đảm bảo nguồn cung năng lượng và kiềm chế việc gia tăng chi phí do các điều kiện thị trường bất thường, cũng như xem xét các biện pháp bổ sung, chẳng hạn như áp mức trần giá dầu.
Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí từng bước chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga, không để ảnh hưởng tới các mục tiêu khí hậu và môi trường của nước mình.
Để đối phó với nguy cơ xảy ra nạn đói và suy dinh dưỡng, G7 cam kết gia tăng việc đảm bảo nguồn cung thực phẩm và dinh dưỡng toàn cầu, theo đó, G7 sẽ bổ sung 4,5 tỷ USD nhằm duy trì thị trường thực phẩm và nông sản, đồng thời đẩy mạnh nỗ lực giúp Ukraine sản xuất và xuất khẩu lương thực.
Liên quan nỗ lực bảo vệ khí hậu, G7 cam kết ủng hộ các mục tiêu xây dựng một "câu lạc bộ khí hậu" quốc tế mở và hợp tác, cùng các nước đối tác hướng tới việc xây dựng câu lạc bộ này từ nay tới cuối năm 2022.
[Hội nghị thượng đỉnh G7: Ra tuyên bố về cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine]
Với mục tiêu thúc đẩy các biện pháp khẩn cấp, tham vọng và bao trùm nhằm duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu 1,5 độ C cũng như thực thi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, G7 cam kết khử carbon trong lĩnh vực giao thông vận tải tới năm 2030, khử carbon hoàn toàn hoặc phần lớn trong lĩnh vực điện tới năm 2035, cũng như có những bước đi cụ thể nhằm đẩy nhanh việc chấm dứt sản xuất năng lượng từ than đá ở các nước G7.
Với sự hỗ trợ của chương trình Đối tác vì cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu, các nước G7 cũng cam kết huy động 600 tỷ USD trong 5 năm tới nhằm thu hẹp lỗ hổng đầu tư toàn cầu. G7 sẽ củng cố sự hợp tác toàn cầu bằng cách kết nối với các đối tác mới theo chương trình "Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng" như Indonesia, Ấn Độ, Senegal và Việt Nam.
Liên quan tới đại dịch COVID-19, G7 cam kết xây dựng nguồn dự phòng trên 1,1 tỷ liều vaccine, quan tâm tới việc phòng ngừa, dự phòng và chống các đại dịch trong tương lai cũng như các thách thức liên quan tới sức khỏe.
Ngoài ra, G7 cũng sẽ nỗ lực kiểm soát các thách thức toàn cầu, hợp tác với các tổ chức xã hội và các đối tác nhằm nâng cao khả năng phục hồi của các xã hội, củng cố quyền con người cả trực tuyến và ngoại tuyến cũng như chống lại các thông tin sai lệch và đạt cân bằng giới.
Sau Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Elmau của Đức, các nhà lãnh đạo sẽ tới thẳng Madrid (Tây Ban Nha) để tiếp tục dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Nhật Bản không phải là thành viên NATO, song cũng được mời dự hội nghị này./.