G7 cam kết đạt mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2050

Ngày 12/10, bên lề hội nghị thường niên của IMF và WB ở Mỹ, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G7 đã tái khẳng định cam kết đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
G7 cam kết đạt mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2050 ảnh 1Thúc đẩy phát triển năng lượng sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. (Nguồn ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Các nhà lãnh đạo tài chính Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) cam kết tăng cường nỗ lực cắt giảm khí thải và hỗ trợ khí hậu cho các nước đang phát triển bất chấp những thách thức về giá năng lượng tăng cao và an ninh do cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Trong tuyên bố được đưa ra ngày 12/10 tại cuộc họp bên lề hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) ở Washington (Mỹ), các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G7 đã tái khẳng định cam kết đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Theo các quan chức tham gia cuộc họp, trong thời gian qua, giá năng lượng và lương thực đã tăng đáng kể, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường và nguồn cung năng lượng trên toàn cầu.

Các quan chức này bày tỏ quyết tâm đạt được các mục tiêu khí hậu, bao gồm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, đảm bảo sự công bằng và bền vững, qua đó giúp củng cố an ninh năng lượng.

[Đức kêu gọi G7 cùng hành động nhằm giảm giá năng lượng]

Ngoài ra, các quan chức tài chính G7 cũng cam kết đạt được tiến bộ đáng kể để hiện thực hóa các mục tiêu về khí hậu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 27 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27), dự kiến diễn ra tại Ai Cập vào tháng 11 tới.

Các nước sẽ duy trì cam kết huy động 100 tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2025 để hỗ trợ các nước đang phát triển ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các bộ trưởng tài chính và thống đốc các ngân hàng trung ương G7 cũng nhấn mạnh việc phát triển thị trường carbon với độ minh bạch cao và định giá carbon sẽ thúc đẩy các biện pháp giảm thiểu mức phát thải với chi phí thấp, cũng như khuyến khích sự đổi mới trong lĩnh vực liên quan tới khí hậu.

Các quan chức cũng cam kết hợp tác về các cơ chế thương mại tiềm năng nhằm ngăn chặn hiện tượng "rò rỉ carbon," chỉ việc các công ty dịch chuyển việc sản xuất sang các nước có tiêu chuẩn môi trường thấp hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục