Ngày 16/6, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã nhất trí thiết lập một khuôn khổ quốc tế nhằm giảm tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa ở các đại dương - một trong những mối đe dọa cấp bách nhất đối với môi trường thế giới hiện nay.
Thỏa thuận trên được công bố sau 2 ngày họp các bộ trưởng năng lượng và môi trường G20 tại thị trấn Karuizawa, miền Trung Nhật Bản.
Theo thỏa thuận, các nước thành viên G20 sẽ tự giác triển khai các biện pháp nhằm giảm lượng rác thải nhựa đổ ra đại dương và thông báo những tiến bộ đạt được theo định kỳ.
[Nhật Bản: Các bộ trưởng năng lượng, môi trường G20 bắt đầu nhóm họp]
Rác thải nhựa đổ ra đại dương gây ra tình trạng ô nhiễm trên diện rộng, ảnh hưởng tới môi trường sinh sống của các loài động vật biển như cá heo, rùa biển, chim biển.
Các hạt vi nhựa có kích cỡ dưới 5mm có thể tích tụ trong cơ thể các loài cá, gây độc hại cho sức khỏe con người nếu ăn phải.
Theo Liên hợp quốc, mỗi năm, con người thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó có tới 8 triệu tấn trôi ra các đại dương. Phần lớn rác thải nhựa đến từ các nước châu Á, trong đó có các nước thành viên châu Á trong G20 như Trung Quốc và Indonesia.
Được thành lập năm 1999, G20 gồm 19 nước là Argentina, Australia, Brazil, Anh, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Italy, Nhật Bản, Mexico, Nga, Saudi Arabia, Nam Phi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Hiện tại, G20 chiếm 80% thương mại toàn cầu và 2/3 dân số thế giới./.