G20: Chưa đưa ra được giải pháp cho căng thẳng thương mại Mỹ-Trung

Lãnh đạo tài chính các nước G20 cho rằng căng thẳng trong thương mại và địa chính trị trên toàn cầu hiện nay ở mức độ nghiêm trọng, song lại không đưa ra cách thức giải quyết vấn đề này.
Các đại biểu tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm G20 ở thành phố Fukuoka, Nhật Bản ngày 8/6. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Các đại biểu tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm G20 ở thành phố Fukuoka, Nhật Bản ngày 8/6. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Lãnh đạo tài chính các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã nhất trí cho rằng những căng thẳng trong thương mại và địa chính trị trên toàn cầu hiện nay ở mức độ nghiêm trọng, song lại không đưa ra cách thức giải quyết vấn đề này trong dự thảo tuyên bố chung dự kiến được công bố sau khi kết thúc cuộc họp ngày 9/6 tại Fukuoka, Nhật Bản.

Theo 3 nguồn tin trong G20, trong ngày họp thứ 2 của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương G20, lãnh đạo tài chính G20 tái khẳng định đánh giá về tình hình thương mại toàn cầu đưa đưa ra tại Hội nghị G20 hồi tháng 12/2018 tại Buenos Aires (Argentina).

Nội dung dự thảo tuyên bố sẽ đề cập đến cam kết của lãnh đạo tài chính G20 về việc sẽ tiếp tục giải quyết những nguy cơ và sẵn sàng có thêm những hành động để giảm thiểu những mối đe dọa đối với thương mại toàn cầu.

Tuy nhiên, dự thảo tuyên bố chung của hội nghị lần này xóa bỏ nội dung về việc "công nhận cần phải giải quyết tranh chấp thương mại," một nội dung thảo luận gay gắt trong ngày họp đầu tiên.

[Mỹ để ngỏ khả năng đàm phán thương mại với Trung Quốc]

Các nguồn tin trên cho biết việc xóa bỏ nội dung nói trên, bắt nguồn từ sức ép của Mỹ, cho thấy Washington muốn né tránh những rào cản từ chính việc Mỹ tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu.

Dự thảo tuyên bố chung cũng không bao gồm nội dung thừa nhận tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

G20: Chưa đưa ra được giải pháp cho căng thẳng thương mại Mỹ-Trung ảnh 1Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trên thực tế, tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã làm tổn hại tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tuần trước cảnh báo căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu và các thị trường tài chính đang chứng kiến sự tuột dốc.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ  Steven Mnuchin ngày 8/6 tuyên bố ông không thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng bởi tranh chấp thương mại hai nước và Chính phủ Mỹ sẽ có hành động để bảo vệ người tiêu dùng nước này trước hàng rào thuế quan tăng cao.

Trước đó, tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương G20 hồi tháng 12/2018 tại Buenos Aires, lãnh đạo các nước G20 đã mô tả hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế là những "động lực" quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, sản xuất, cải tổ, tạo thêm việc làm và phát triển.

Các nhã lãnh đạo cũng đã nhất trí thừa nhận sự đóng góp của hệ thống thương mại đa phương trong bộ máy đó. Cũng tại hội nghị, lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí ngừng tranh chấp thương mại trong 5 tháng để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán nhằm tìm kiếm một thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến thương mại.

Tuy nhiên, cho đến nay, hai nước không chỉ không đạt được thỏa thuận nào, Mỹ và Trung Quốc bổ sung hàng rào thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu của 2 nước.

Ngoài vấn đề tranh chấp thương mại, dự thảo tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương G20 tại Nhật Bản lần này còn kêu gọi sửa đổi các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Theo kế hoạch, Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra trong 2 ngày 28-29/6 tại Osaka, Nhật Bản. Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng sẽ có cuộc gặp riêng tại đây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục