G-24: Vai trò của các nước đang phát triển lớn hơn

G-24 nhấn mạnh, việc cải cách IMF cần phản ánh rõ nét hơn vai trò ngày càng lớn của các nước đang phát triển trong nền kinh tế toàn cầu.

Ngày 19/4, Nhóm liên chính phủ của 24 nước về các vấn đề tiền tệ quốc tế và phát triển (G-24) nhấn mạnh rằng, việc cải cách Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) cần phản ánh rõ nét hơn vai trò ngày càng lớn của các nước đang phát triển trong nền kinh tế toàn cầu.

Trong thông cáo sau cuộc họp giữa G-24 với Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde tại thủ đô Washington của Mỹ, G-24 đề nghị cơ cấu lại ban lãnh đạo IMF theo hướng tăng số ghế dành cho các nước đang phát triển và mới nổi.

G-24 cũng hoan nghênh các nỗ lực mở rộng các nguồn lực của IMF nhằm đối phó với các nguy cơ cao đe dọa nền kinh tế toàn cầu, song nhấn mạnh rằng các nỗ lực củng cố khả năng cho vay của IMF không nên hủy hoại đặc điểm của quỹ này là một thể chế dựa trên chỉ tiêu, và nên gắn với một cam kết vững chắc về cải cách phương thức quản lý.

Đại diện cho thế giới đang phát triển, G-24 kêu gọi các nền kinh tế phát triển tăng cường hành động nhằm đảm bảo đà phục hồi kinh tế toàn cầu.

Cuộc họp của G-24 diễn ra trước thềm cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển (G-20) và IMF, dự kiến diễn ra ngày 20/4 cũng tại Washington nhằm quyên góp quỹ chống khủng hoảng trị giá 400 tỷ USD.

Dự định tại cuộc gặp này, Trung Quốc và các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) sẽ đề nghị có nhiều quyền hơn.

Dù đã hạ mục tiêu quyên góp quỹ can thiệp khủng hoảng mới từ 500 tỷ USD xuống còn 400 tỷ USD, nhưng trước thềm hội nghị, IMF vẫn thiếu khoảng 80 tỷ USD.

Các nước đã cam kết đóng góp 320 tỷ USD, song theo ước tính của IMF, con số này vẫn chưa đủ để xây dựng một "bức tường lửa tài chính" vững chắc chống đỡ những rối loạn thị trường xuất hiện khi một nền kinh tế quốc gia sụp đổ lây lan ra toàn Khu vực đồng euro (Eurozone).

Phát biểu với báo giới trước thềm hội nghị, Tổng Giám đốc IMF Lagarde tránh đề cập tới "bức tường lửa tài chính toàn cầu," song cảnh báo "những đám mây đen" vẫn đang lơ lửng và sự rối loạn mới đây ở châu Âu có thể ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu.

Trước những lo ngại về việc Tây Ban Nha có thể phải lần thứ tư đề nghị hỗ trợ, bà Lagarde bày tỏ tin tưởng rằng IMF sẽ có thể tăng đáng kể khả năng can thiệp của mình.

Ông Jun Azumi, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản - nước đã cam kết góp 60 tỷ USD cho quỹ khủng hoảng - cũng bày tỏ lạc quan rằng, IMF sẽ đạt mục tiêu.

Phát biểu với báo giới tại Washington, ông nói: "Nhiều khả năng chúng ta sẽ quyên góp được quỹ gần mục tiêu 400 tỷ USD đã đặt ra." Theo ông, điều này sẽ giúp giảm nhẹ sức ép và ổn định nền kinh tế toàn cầu.

Trong khi đó, Nga bày tỏ lạc quan thận trọng. Thứ trưởng Tài chính nước này Sergei Stortchak cho biết, Mátxcơva sẽ có thể quyên góp thêm 10 tỷ USD.

Châu Âu đã cam kết 200 tỷ USD và các nước Bắc Âu, Thụy Sỹ, Ba Lan và nhiều nước khác đã thông báo góp 60 tỷ USD.

Trong khi đó, các nước BRICS - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - vẫn chưa thông báo khoản tiền mà họ sẽ đóng góp.

Riêng Mỹ - cổ đông lớn nhất của IMF - đã từ chối góp quỹ khiến các nước BRICS trở thành nguồn cung lớn nhất cho quỹ này, đồng thời đặt họ vào vị trí đòi hỏi có tiếng nói nhiều hơn trong cách thức phân phát quỹ của IMF.

Sau các gói cứu trợ lớn cho Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland, các nước đang phát triển ngày càng quan trọng đối với IMF trong việc giải quyết vấn đề của Eurozone.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vẫn chưa lên tiếng về việc này, trong khi nhiều nước trong nhóm BRICS bày tỏ lo ngại rằng, quỹ này có thể bị dùng để tăng thêm nguồn cung cho ba gói cứu trợ vốn đã rất lớn hiện nay ở châu Âu.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân cho biết, nước này sẵn sàng thảo luận về các kế hoạch gây quỹ khác nhau cho IMF một cách thẳng thắn và tích cực với các thành viên của IMF.

Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Pranab Mukherjee bác bỏ mọi hình thức đóng góp cho quỹ khủng hoảng nếu tiếng nói của New Delhi trong IMF chỉ như hiện nay.

Ông cho biết, G-24 cho rằng, IMF cần thúc đẩy mạnh hơn để hoàn thiện kế hoạch cấu trúc lại các quyền bỏ phiếu đã được vạch ra trong năm 2010. Ông nhấn mạnh: "Cải cách chỉ tiêu là việc không nên trì hoãn. Thực tế của các biến đổi trong quyền lực kinh tế của BRICS cần được thừa nhận."./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục